Vận tải

Muốn tăng khách đi xe buýt cần phục vụ tốt hơn

23/05/2018, 07:22

Nếu chất lượng phương tiện tốt, tiếp viên chu đáo... người dân mới bỏ xe máy để đi lại bằng xe buýt.

9

Tuyến xe buýt số 18 (Bến Thành - chợ Hiệp Thành), một trong 3 tuyến buýt kiểu mẫu được các hành khách đánh giá tốt về xe và chất lượng phục vụ - Ảnh: Đỗ Loan

Tại buổi sơ kết diễn đàn phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân diễn ra hôm qua (22/5), nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt tại TP.HCM chưa thật sự tốt. Nếu có chuyển biến, chắc chắn hành khách đi xe buýt sẽ tăng.

Triệt tiêu suy nghĩ “ban ơn” cho hành khách

Chia sẻ kinh nghiệm tăng sản lượng hành khách, ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Xe buýt 19/5 - đơn vị có trên 20 năm phục vụ xe buýt cho biết, điểm yếu nhất của xe buýt hiện nay là chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt. Để thu hút được hành khách, trước hết chất lượng phương tiện phải tốt, nhân viên phục vụ trực tiếp hành khách trên xe phải làm đúng quy định.

“Nếu chất lượng phương tiện tốt, tiếp viên chu đáo, để lại ấn tượng tốt, người dân mới bỏ xe máy để đi lại bằng xe buýt. Do đó, bằng mọi cách phải làm thay đổi suy nghĩ, đả thông tư tưởng của nhân viên, là người phục vụ chứ không phải người ban ơn cho hành khách. Để có được điều đó, phải quan tâm đến chế độ, tiền lương, khen thưởng, đồng thời phải kỷ luật nghiêm minh nếu nhân viên vi phạm”, ông Triệu nói và cho biết, hàng tháng nếu đơn vị xe buýt tổng kết, không thấy có phản ánh của người dân, giảm được hành vi vi phạm của tiếp viên, chắc chắn sản lượng sẽ tăng. Sau đợt này, đơn vị sẽ đăng ký thêm 3 tuyến buýt điểm. 

Ông Nguyễn Văn Lợi, tài xế xe buýt tuyến số 18 cho biết: “Từ ngày đăng ký buýt mẫu, tiếp viên phục vụ tốt hơn, hành khách đông hơn. Cụ thể, từ lúc chương trình thí điểm tuyến buýt mẫu triển khai, sản lượng hành khách tăng lên 10%. Chúng tôi mong thành phố nhân rộng tuyến buýt mẫu”. 

Thượng tá Trần Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho rằng, hiện nay ở TP HCM đối tượng học sinh tham gia phương tiện công cộng nhiều hơn. Để giảm bớt ùn tắc giao thông, nên có những cải tiến trang bị phương tiện, bố trí hợp lý xe nhỏ tùy vào từng tuyến đường, ngõ hẻm để những công nhân, nhân viên văn phòng cũng có thể đi xe buýt. 

“Đặc thù của thành phố là các đường có nhiều giao lộ gần nhau, hay còn gọi là đường “nhiều xương cá”, trong khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Do vậy, mật độ tham gia giao thông ngày càng đông, đòi hỏi thành phố phải có nhiều giải pháp giảm ùn tắc”, Thượng tá Thương nói. 

Khách tăng khi phục vụ tốt hơn

Nêu quan điểm về phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ chính sách công - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, 5 năm nữa tình hình giao thông của TP HCM sẽ tệ đi rất nhiều. Các phương tiện giao thông cá nhân hiện quá dày, trong khi hệ thống giao thông công cộng hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, trong đợt 1 thí điểm 3 tuyến xe buýt điểm, sản lượng hành khách tăng từ 7-11%. Trong đợt 2, các doanh nghiệp vận tải sẽ thêm 17 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt điểm lên 20 tuyến trên toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng. Hiện nay, mới có 300 xe buýt được trang bị wifi. Dự kiến thời gian tới sẽ trang bị wifi cho xe buýt trên toàn thành phố bằng hình thức xã hội hóa. 

Cũng theo TS. Du, phát triển giao thông công cộng, cần có chính sách hợp lý để giảm phương tiện cá nhân. Cấm xe máy sẽ không khả thi về mặt kỹ thuật, chính sách. Thành phố muốn phát triển giao thông công cộng công suất lớn, cần phải có tiền đầu tư để giảm nhu cầu các phương tiện thay thế. 

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, trong các ý kiến gửi về diễn đàn, nhiều nhất là các ý kiến phản ánh, góp ý liên quan đến bất cập của hệ thống xe buýt như: Xe quá cũ, xuống cấp, thái độ phục vụ... Tuy nhiên, ngược lại cũng có những tuyến xe buýt hoạt động tốt, rất đáng biểu dương.

“Đến năm 2020, mục tiêu tối thiểu vận tải công cộng của thành phố đạt ít nhất 15%, hiện nay chỉ trên 9,5%. Do vậy, kế hoạch trong 3 năm tới sẽ là thách thức rất lớn cho đơn vị quản lý. Từ hơn 2.000 xe buýt sẽ tăng thêm 5.500 xe,với số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt”, ông Cường nói. 

Năm nay, thành phố tập trung phát triển những giải pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả. Chỉ cần chuyển đổi thái độ phục vụ, hiệu quả đã thấy rõ, ví dụ như 3 tuyến buýt điểm. “Sự văn minh của xe buýt không chỉ ở người phục vụ mà còn có sự tương tác với người sử dụng dịch vụ. Giao thông công cộng, cá nhân không đối kháng nhau mà cùng phát triển. Cùng nhau góp sức xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, phát triển giao thông công cộng bền vững góp phần hạn chế xe cá nhân”, ông Cường nói thêm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.