Thị trường

Muốn tăng thêm "điện sạch", cần tính toán lại giá điện

01/12/2021, 17:45

Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời Bình Thuận tại Hội thảo "Năng lượng điện gió Việt Nam" ngày 1/12.

Dù tiềm năng năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam không thua kém các nước phát triển nhưng ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời Bình Thuận đánh giá, lưới truyền tải chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến một số hạn chế trong đầu tư, phát triển nguồn điện này.

Ông Thịnh so sánh một cách hình ảnh, nguồn điện NLTT lên lưới giống như chạy xe, vừa mất thời gian, tốn xăng dầu lại ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

img

Lưới truyền tải chưa đáp ứng yêu cầu là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư, phát triển NLTT ở Việt Nam còn hạn chế.

Ông Thịnh phân tích: Lưới điện Việt Nam tương đối độc lập, liên kết vùng yếu, lại trải dài, không giống như các nước Châu Âu có sự liên kết chặt chẽ giống như một “bình” điều hòa khổng lồ, đáp ứng được mọi thay đổi của NLTT.

Cụ thể, hiện Việt Nam mới có đường dây truyền tải 110kV với Camuchia; 500kV với Lào và 220kV với Trung Quốc... ở mức công suất còn rất nhỏ.

“Do đó, để phát triển NLTT với tỷ trọng lớn hơn thì cần có kết nối lưới điện lớn hơn”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, hiện nay, giá bán điện bình quân là 7,5-7,8 cent/kWh (hơn 1.800 đồng/số), nhưng EVN đã phải mua điện giá cao hơn 8 cent/kWh. Cụ thể, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) và trên bờ là 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng/kWh), điện mặt trời có thời điểm lên tới 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh)..., chưa kể chi phí truyền tải và phân phối.

“EVN lấy đâu ra tiền đề bù do càng mua NLTT càng lỗ, nhất là khi chúng ta đang tiếp tục chiến lược phát triển NLTT, giảm điện than? Do đó, cần phải xem xét lại giá điện, làm sao để win - win cho cả người mua lẫn người bán mà vẫn đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho các hộ nghèo về giá? Tôi cho rằng, với những hộ sử dụng dưới 100 kWh/tháng thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng giá điện hỗ trợ, còn những hộ sử dụng mức cao hơn thì cần xem xét lại. Chứ bây giờ cứ bù chéo lẫn nhau, dẫn đến cắt giảm công suất thì lãng phí.

Ước tính, bình quân 1 dự án NLTT cắt dưới 10%, 1 MW công suất sẽ thất thoát 500 triệu đồng/năm, thì với công suất 24.000 MW NLTT, sẽ thất thoát hơn 12 tỷ đồng/năm. Thất thoát này có thể hỗ trợ EVN nâng cấp lưới điện”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Ở góc độ nhà đầu tư NLTT, ông Niels Holst, Copenhagen Offshore Partners, đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết, ở rất nhiều nước, có nhiều đầu tư từ khu vực tư nhân vào lưới điện. Và Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng cách thức này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.