65 năm đã trôi qua nhưng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vẫn còn sống mãi những ngày tháng hào hùng như một biểu tượng tự hào của dân tộc về chiến thắng giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Tại nơi rừng thiêng này, vào năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã có những chỉ đạo tài tình, quyết đoán cùng với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Giờ đây, Mường Phăng không còn là nơi "thâm sơn cùng cốc" của đại ngàn Tây Bắc. Nơi này đã trở thành xã nông thôn mới đạt chuẩn 19/19 tiêu chí với những cơ sở hạ tầng phát triển. Bà con đã biết làm kinh tế, dịch vụ và luôn giữ gìn bản sắc đồng bào của một nơi đặc biệt của nguồn cội cách mạng.
Tháng 5 lịch sử, trong dòng người trở lại Mường Phăng có không ít cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng vô vàn gian nan, hiểm nguy nhưng hào hùng cách đây hơn 6 thập kỷ, ông Lò Văn Thêm cho biết, cách đây 65 năm, Mường Phăng không chỉ là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ mà nơi đây còn là “bộ não” của toàn chiến trường Đông Dương. Căn cứ bí mật này được bao trùm bởi những tán cây rậm rạp, nằm trọn trong cánh rừng hoang sơ, bí hiểm. Nay Mường Phăng đã khác với hệ thống giao thông thuận lợi, nhà cửa khang trang, giàu đẹp.
Cũng như lời của bà con nơi đây, Mường Phăng còn được gọi theo tiếng Thái là “Phiềng Mà Lùng” tức “Chó còn lạc đường”. Xưa kia, rừng núi trùng điệp, bản làng heo hút, có nhiều hổ, báo, rắn rết… Những con đường mòn qua núi chỉ ít người dân bản địa nắm rõ, nếu sơ sẩy ắt lạc đường. Còn hiện tại, Mường Phăng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của đại ngàn Tây Bắc.
Chị Thẳm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết, cách đây ít năm, 1.138 hộ với 5.446 nhân khẩu ở Mường Phăng còn phải lo từng bữa cơm, nhiều gia đình còn phải trộn cơm với ngô sắn để ăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Được sự quan tâm của các cấp các ngành, cùng với sự nỗ lực, chung tay phấn đấu của chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên địa bàn lao động sản xuất, đến nay, số hộ nghèo của xã chỉ còn 129 hộ, đã giảm xuống còn hơn 10%, người dân đã thoát khỏi nghèo đói.
Hiện nay, Mường Phăng đã trồng được hai vụ lúa/năm; cùng đó là gieo trồng các loại cây hoa màu khác như rong giềng, ngô, cây ăn quả; chăn nuôi hơn 6 nghìn con gia súc, khoảng 35 nghìn con gia cầm. Đặc biệt, Mường Phăng đang xây dựng, mở rộng nhiều mô hình kinh tế như mô hình nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng các loại cây ăn quả như hồng, mắc coọc, mận… để khai thác, phát huy hết tiềm năng sẵn có ở địa bàn. Cơ sở vật chất, giao thông của xã đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, những con đường chính đều được bê tông hóa. Hệ thống trường học phát triển từ cấp mầm non đến THCS. “Hiện, Mường Phăng đã đạt được 19/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới”, chị Hiên vui vẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận