Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đón lượng khách lớn trong ngày cuối cùng dịp nghỉ lễ (chụp 18h ngày 18/4) - Ảnh: Tạ Tôn |
Hà Nội: Bến xe… nêm chật người
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, 18/4 là ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ giỗ Tổ, đường phố Hà Nội tấp nập trở lại. Tại các bến xe như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước ngầm… lượng khách đổ về càng lúc càng đông, khiến cho các bến xe này luôn trong tình trạng chật kín. Bên trong bến, người và hành lý nườm nượp. Bên ngoài, các điểm chờ xe buýt rất đông người đứng chờ khiến hệ thống xe buýt rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều người phải đợi cả giờ đồng hồ mới có xe để về nhà. Nhiều hành khách về Hà Nội, nên các dịch vụ xe ôm, taxi cũng phải chờ rất lâu mới có thể đón được.
Dù lượng người đông, nhưng theo quan sát của PV, tình hình ANTT khu vực các bến xe tương đối ổn định. Ngoài lực lượng bảo vệ của bến xe, còn có CSGT, TTGT, CSTT ngoài bến hướng dẫn phân luồng cho người dân, các phương tiện khi vào trong bến. Anh Nguyễn Văn Trọng, lái xe tuyến Phú Thọ - Hà Nội cho biết, từ chủ nhật đã có hành khách trở lại thành phố nên lượng khách dù đông nhưng dàn trải, nên không gây quá tải.
Tại Hà Nội, từ trước nghỉ lễ, ngành Đường sắt đã nối toa hết chiều dài đoàn tàu và lập thêm nhiều tàu trên các tuyến nhưng tất cả các mác tàu Thống Nhất, tàu khu đoạn đi Vinh, Đồng Hới, Lào Cai và một số mác tàu đi Hải Phòng đều hết chỗ, phải bán cả ghế phụ, vé không chỗ. Như tuyến Hà Nội - Vinh lập thêm 2 đoàn, Hà Nội - Đồng Hới 1 đoàn, Hà Nội - Lào Cai 1 đoàn đều phải bán thêm ghế phụ. “Tuy nhiên, sang đến ngày thứ bảy và chủ nhật, khách giảm hẳn, tàu trống chỗ. Chỉ riêng lượng khách đi đường ngắn như: Nam Định, Hải Phòng vẫn đông”, bà Phạm Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội nói và cho biết thêm, phải đến chiều tối 18/4 và sáng sớm ngày 19/4, hành khách từ các tuyến mới đổ dồn về Hà Nội để đi làm. T.T |
Tuy nhiên, theo phản ánh của hành khách vẫn còn nhiều nhà xe bắt khách dọc đường, nhồi nhét, tăng giá cao hơn so với ngày thường. Anh Nguyễn Hồng Quân ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đi tuyến Thái Bình - Hà Nội dù xe đông nhưng phụ xe lại mời chào khách là ở dưới vẫn còn chỗ. Trong khi lên xe lượng ghế ngồi đã kín, chót lên xe nên đành phải đứng”.
Quan sát của PV chiều 18/4, tại các tuyến đường dẫn đến các Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát như: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Trường Chinh, Giải Phóng…, mật độ người tham gia giao thông rất đông, dẫn đến ùn ứ. Tương tự, tuyến đường trên cao từ đầu cao tốc Pháp Vân đến đường Phạm Hùng luôn trong tình trạng quá tải. 14h ngày 18/4, lưu lượng xe từ đường trên cao xuống ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đã rất lớn, các phương tiện phía dưới bị kẹt cứng, phải nhích từng mét.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: “18/4, là ngày nghỉ lễ cuối cùng người dân đổ về Hà Nội rất lớn. Để đảm bảo ATGT, tránh tình trạng ùn tắc, chúng tôi đã huy động 100% lực lượng thanh tra trên các tuyến đường, ứng trực tại các bến xe để phân luồng tổ chức giao thông, nhất là khu vực trên đường Vành đai 3.
Còn theo Phòng CSGT Hà Nội, trong ngày 18/4, lực lượng CSGT được huy động 100% để hướng dẫn chỉ huy điều khiển giao thông, phòng, chống ùn tắc trong giờ cao điểm để đảm bảo ATGT cho nhân dân về Hà Nội được an toàn. CSGT đã phối hợp với lực lượng địa phương, đảm bảo chống ùn tắc ở 336 nút giao thông trên địa bàn thành phố.
Người dân trở lại TP.HCM sau nghỉ lễ (Chụp tại ngã tư Vũng Tàu) |
Cửa ngõ TP.HCM di chuyển khó khăn do ùn ứ
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông từ 16h chiều 18/4, lượng xe khách, xe máy hướng từ TP Vũng Tàu lưu thông trên QL51 bắt đầu dồn về TP.HCM. Tại ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hòa, Đồng Nai) do đường bị rào chắn để thực hiện thi công hầm chui nên xe cộ phải chen chúc xếp hàng di chuyển. Dù đơn vị thi công và lực lượng chức năng đã nỗ lực phân làn, điều tiết giao thông nhưng tình hình giao thông tại đây vẫn khá phức tạp, các phương tiện giao thông di chuyển chậm khó khăn nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Tại bến phà Cát Lái, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong (quận 2, TP.HCM) cho biết: “Dịp lễ giỗ Tổ, phà Cát Lái huy động 6 phà lớn phục vụ các phương tiện hướng từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… quay trở về TP.HCM. Lượng khách tập trung cao điểm vào chiều 17/4 đạt hơn 71.000 lượt khách qua phà đến chiều 18/4 lượng khách vẫn đổ về nhưng không quá tải”. Do lượng xe ô tô đổ dồn về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rất đông, xe ô tô phải rồng rắn xếp hàng dài gần 1 km ra giao lộ đường Mai Chí Thọ (quận 2) về trung tâm TP.HCM…
119 người thương vong trong 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong ba ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (16 - 18/4), toàn quốc xảy ra 83 vụ TNGT, làm chết 63 người, làm bị thương 56 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 81 vụ, làm chết 62 người, bị thương 55 người. Đường thủy nội địa xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết. Đường sắt xảy ra một vụ, làm 1 người bị thương. Chỉ tính riêng ngày 18/4, toàn quốc xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 23 người, bị thương 24 người. T.D |
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 18/4, ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải Bình Thuận, đơn vị quản lý ga Biên Hòa cho biết, lượng hành khách xuống ga Biên Hòa trong ngày 17/4 đạt 2.050 hành khách. Tính đến chiều 18/4 có 8 đoàn tàu trả khách tại ga Biên Hòa đạt 1.500 lượt khách. Dù nhà ga Biên Hòa đang được nâng cấp mở rộng lượng hành khách đi tàu dịp lễ tăng cao nhưng tình hình ANTT trong và ngoài ga luôn được đảm bảo.
Trong khi đó, ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, mặc dù sự cố sập cầu Ghềnh đã khiến không ít hành khách chuyển sang đi máy bay nhưng công tác phục vụ vẫn chu đáo. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông trước đường Trường Sơn đến Lăng Cha Cả khiến người dân khi đến và ra khỏi sân bay rất vất vả.
Ghi nhận vào chiều 18/4, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Trường Sơn vẫn tiếp tục diễn ra khi lượng người từ các địa phương sau khi nghỉ lễ đổ về sân bay càng đông. Từ cửa ngõ sân bay đến vòng xoay Lăng Cha Cả lượng phương tiện lúc nào cũng đông đúc nối đuôi nhau. Lực lượng CSGT, TNXP phải làm việc rất vất vả dưới cái nắng nóng để điều tiết giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận