Sau thành công của MV “Tự tâm”, Nguyễn Trần Trung Quân tiếp tục gây chú ý khi ra mắt MV mới “Canh ba”. Nội dung của sản phẩm mới là phần tiếp theo của “Tự tâm”, tiếp nối câu chuyện về mối tình của nhân vật Hoàng Thượng và Bạch Liên. MV mới của Nguyễn Trần Trung Quân gây shock với nhiều tình tiết rùng rợn và câu chuyện có nhiều cú twist bất ngờ và vẫn được khen ngợi bởi câu chuyện cuốn hút, hình ảnh đẹp được chau chuốt cầu kỳ.
Thế nhưng, cũng chính vì sự đầu tư mạnh mẽ về hình ảnh và cốt truyện MV mà phần âm nhạc trở nên mờ nhạt hơn. Điều này dễ thấy khi hầu hết các bình luận phản hồi về MV trên mạng xã hội và kênh Youtube chính thức của Nguyễn Trần Trung Quân đều nói về hình ảnh và nội dung câu chuyện thay vì bàn luận phần âm nhạc. Dù ca khúc “Canh ba” được nam ca sĩ đầu tư và mang tới những giai điệu bắt tai, nhưng dường như nó chưa đủ sức nặng để “cân” được phần hình ảnh ấn tượng.
Trong thời đại công nghệ số với sự phát triển của Youtube và định lượng thành công được tính trên số lượng lượt xem/nghe, MV ca nhạc là một sản phẩm âm nhạc được giới nghệ sĩ chú trọng. Và để thu hút được sự chú ý của khán giả thì MV phải có sự độc, lạ riêng, mà sự độc lạ ấy chỉ có thể thể hiện ở phần nhìn (hình ảnh, nội dung câu chuyện) chứ không phải âm nhạc.
Nếu như trước đây, hình ảnh chỉ để bổ trợ cho âm nhạc thì hiện tại, hai yếu tố này song hành và thậm chí, hình ảnh đóng vai trò có phần nhỉnh hơn. Nhiều ca sĩ sẵn sàng dốc tiền tỷ để thực hiện một MV ca nhạc ấn tượng nhất. Thế nhưng, điều đó lại làm cho phần âm nhạc mà đáng lý phải là quan trọng nhất lại bị lu mờ. Những bài báo, phân tích sản phẩm âm nhạc trở thành bài phê bình… MV thay vì phê bình âm nhạc. Giới truyền thông viết về sản phẩm chỉ nói đến các cảnh quay đặc biệt, gây shock, diễn viên tham gia, nội dung câu chuyện… chứ được bao nhiêu dòng bình luận về âm nhạc? Những thành tích trong âm nhạc được thiết lập bằng kỷ lục của MV mà tin chắc không ít sản phẩm lọt Top trending trên Youtube nhưng bài hát thì chẳng thành một bản hit nổi tiếng.
Tất nhiên trong thời đại nghe - nhìn, âm nhạc và phim ảnh phải đi cùng nhau và đó cũng là xu thế tất yếu trong thời đại chuyển dịch. Thế nhưng, âm nhạc sẽ ra sao khi chỉ đóng “vai phụ” trên sân khấu mà vốn dĩ phải thuộc về nó?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận