Đòn chí mạng với Nga?
Theo hãng tin Reuters, các thực thể chịu lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ lần này bao gồm Gazprom Neft và Surgutneftegas, những tập đoàn chuyên khai thác và bán dầu khí của Nga, 183 “con tàu ma” nghi vận chuyển dầu khí trái phép cùng mạng lưới buôn bán dầu khí mà Mỹ cho là phi pháp.
Trong số này có rất nhiều tàu chở dầu từ Nga sang Ấn Độ và Trung Quốc khi mức trần giá dầu khí do nhóm G7 áp đặt vào năm 2022 đã buộc Nga phải chuyển hướng bán dầu khí từ châu Âu sang châu Á.
Gói trừng phạt mới nếu được thực thi hiệu quả sẽ khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD, một quan chức Mỹ nhận định.
“Sẽ không có một công đoạn nào trong chuỗi sản xuất và cung ứng là không bị chạm đến. Điều đó giúp chúng ta tự tin hơn khi tuyên bố nếu Nga tìm cách né lệnh trừng phạt thì sẽ càng thiệt hại nhiều hơn”, vị quan chức này tuyên bố.
Ông Daleep Singh, cố vấn hàng đầu về an ninh quốc gia và kinh tế tại Nhà Trắng, khẳng định biện pháp trừng phạt mới là nghiêm trọng nhất đối với ngành năng lượng của Nga, lĩnh vực đem lại nguồn doanh thu lớn nhất phục vụ cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội X cho biết biện pháp mà Mỹ vừa công bố sẽ giáng một đòn chí mạng lên Moscow. “Nga càng thu lợi ít hơn từ dầu khí thì hòa bình càng sớm được phục hồi”, ông Zelensky viết.
Mỹ đã có sẵn nguồn cung dầu khí bù đắp khoản thiếu hụt của Nga
Trước những lo ngại về lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến nguồn cung dầu khí từ Nga bị cắt đứt, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng Geoffrey Pyatt cho biết, trong năm 2025, sẽ có nguồn cung cấp dầu khí mới từ Mỹ, Guyana, Canada, Brazil và có thể cả Trung Đông để bù đắp.
“Chúng tôi không còn phải chịu cảnh bị giới hạn bởi nguồn cung dầu khí trên thị trường quốc tế như khi áp dụng cơ chế áp trần giá dầu khí”, ông Pyatt nói thêm.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga lần này được coi là nỗ lực mở rộng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bên cạnh gói viện trợ quân sự trị giá 64 tỷ USD, bao gồm cả khoản viện trợ mới nhất trị giá 500 triệu USD vừa được công bố dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Song song đó, Mỹ liên tục áp thêm lệnh trừng phạt đối với một loạt ngân hàng của Nga, bao gồm Gazprombank, thể chế tài chính có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng, lệnh trừng phạt tháng 11 đã đẩy tỷ giá đồng Rouble của Nga xuống mức thấp nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022 buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải nâng mức lãi suất tiền gửi lên tới 20%.
“Chúng tôi hy vọng lệnh trừng phạt trực tiếp đánh vào ngành năng lượng sẽ gia tăng áp lực lên nền kinh tế Nga vốn đã chịu mức lạm phát lên đến gần 10% khiến triển vọng kinh tế Nga năm 2025 và những năm sau đó càng thêm ảm đạm”, một quan chức Mỹ tuyên bố.
Song giới chức chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo ông Trump có toàn quyền quyết định điều kiện để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện tại một khi ông chính thức lên nắm quyền vào ngày 20/1 tới. Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Trump sẽ phải đệ trình lên Quốc hội để được bỏ phiếu thông qua.
“Chính quyền mới của ông Trump không thể lặng lẽ dỡ bỏ tất cả những gì ông Biden đã làm. Chắc chắn Quốc hội sẽ can thiệp”, ông Jeremy Paner, cộng sự tại hãng luật Hughes Hubbard & Reed nhận định.
Hơn thế nữa, một quan chức Mỹ đánh giá, gói viện trợ quân sự và lệnh trừng phạt vừa được công bố sẽ mang lại động lực đáng kể cho chính quyền mới của ông Trump trong nỗ lực mang lại nền hòa bình lâu dài cho Ukraine.
Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump từng khẳng định có thể chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Song, sau đó cả ông Trump và các cố vấn thân cận đều thừa nhận phải mất vài tháng mới có thể đạt được mục tiêu trên.
Việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng đã làm dấy lên những hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine. Song, điều này khiến nhiều người quan ngại dù có thể nhanh chóng đạt thỏa thuận hòa bình nhưng Ukraine sẽ phải chịu cái giá đắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận