Thế giới

Mỹ bối rối, Nga hưởng lợi khi vùng Vịnh cô lập Qatar

09/06/2017, 09:05

Trong khi Mỹ đang bối rối khi vùng Vịnh cô lập Qatar, thì Nga coi đây là cơ hội giúp Moscow trên thị trường...

23

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt Nhà vua Qatar Emir Tamim bin Hamad al-Thanitrong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng trước

Nỗ lực muộn màng

Ngày 8/6, theo giờ VN, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ điện đàm với Nhà vua Qatar Emir Tamim bin Hamad al-Thani. Nếu như chỉ 1 ngày trước đó, ông Trump ca ngợi động thái của các nước vùng Vịnh khi cắt quan hệ ngoại giao với Doha thì trong cuộc điện đàm này, ông Trump lại đề nghị các bên giúp đỡ giải quyết bất đồng qua việc mời họ tham dự cuộc họp tại Nhà Trắng nếu cần thiết.

Theo thông báo chi tiết cuộc gọi do Nhà Trắng cung cấp, ông Trump “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các nước trong khu vực cùng chung tay ngăn cản nguồn hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố và chấm dứt cổ động cho tư tưởng cực đoan”. Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng điện đàm với Nhà vua Saudi và nhắc lại rằng: “Việc đoàn kết trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và mối quan hệ đối tác giữa tổ chức này với Mỹ mang ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chấm dứt chủ nghĩa khủng bố, thúc đẩy ổn định khu vực”.

Hãng tin CNN đánh giá, nỗ lực kêu gọi Qatar giải quyết hòa bình của Tổng thống Mỹ là muộn màng. Bởi, lúc này, quân đội Qatar đã đưa 16 xe tăng Leopard tới Thủ đô Doha, đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao độ đề phòng Saudi Arabia và các nước khác thực hiện hành động quân sự.

Ngày 6/6, Bộ Quốc phòng Qatar đã chuyển thông điệp tới Chính phủ UAE, Saudi Arabia và Bahrain rằng, họ sẽ khai hỏa nếu bất cứ tàu hải quân nào của các nước này tiến vào vùng biển Qatar. Dù vậy, các quan chức này cùng nhiều quan chức khác của Qatar khẳng định, động thái quân sự của Doha không ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự an ninh của Mỹ trên đất nước này.

Cơ hội để Nga tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt

Nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới Qatar đang bị liên minh các nước do Saudi dẫn đầu cô lập về thương mại. Các tàu chở dầu của Qatar bị cấm sử dụng các cảng trong khu vực, đặt ra mối đe dọa với các nhà cung cấp LNG của đất nước này.

Giới doanh nhân lo ngại vì Saudi Arabia và đồng minh từ chối vận tải LNG cho Qatar và Ai Cập thậm chí còn cấm tàu chở dầu chở hàng của Qatar sử dụng kênh đào Suez bất chấp việc Ai Cập phải có trách nhiệm cho phép các nước sử dụng tuyến đường thủy này theo thỏa thuận quốc tế. Nếu LNG bị gián đoạn, Châu Âu sẽ buộc phải mua thêm khí đốt từ Nga.

Hiện nay, Tổng công ty Dầu khí Nga Gazprom đang xây dựng các đường ống dẫn dầu mới tới châu Âu - Nord Stream-2 và Turkish Stream dù Gazprom đang đối mặt nhiều chướng ngại từ lục địa này liên quan tới các vấn đề chính trị khác. Đường ống này sẽ giúp tăng gấp đôi công suất của đường ống hiện tại lên 110m3/năm. Đường ống mới sẽ bỏ qua Ukraine và cung cấp khí đốt cho Pháp và Đức.

Ba Lan là một trong những nước phản đối kịch liệt Nord Stream và đã xây dựng một kho chứa LNG tại cảng Swinoujscie. Nhà kho mới của Ba Lan có công suất 5 tỉ m3/năm và có thể tăng lên 7,5 tỉ m3. Ba Lan vốn mua chưa đầy 10% khí đốt từ Qatar trong năm ngoái nhưng Chính phủ nước này từng nói muốn trở thành đối tác bán LNG của Qatar lớn tại châu Âu. Theo một thống kê năm 2017, Qatar đã xuất khẩu 79,6 triệu tấn LNG năm ngoái trong đó 52,7 triệu tấn khí đốt chuyển tới châu Á; 17,9 triệu tấn sang châu Âu.

Chuyên gia về năng lượng của Nga, ông Igor Yushkov đặt câu hỏi: “Vậy ai có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu? Nếu không có Qatar, thì đó là Na Uy, Mỹ và Nga. Các nước châu Âu sẽ mua khí đốt của Mỹ để đa dạng hóa. Tuy nhiên, khối lượng khí đốt mà họ mua mới là vấn đề. Khí đốt của Mỹ không rẻ và Na Uy cũng vậy. Các nước khu vực Bắc Âu cần mở các dự án mới để tăng cường xuất khẩu nhưng đó là việc rất tốn kém”.

Do đó, Nga có thể là đối tác tiềm năng nhất. Giám đốc Điều hành Gapzom, ông Aleksey Miller cho biết, công ty này có thể cung cấp thêm 150 tỉ m3 từ các mỏ khí đốt vốn đã được khai thác. “Nga gần như có thể tăng gấp đôi lượng xuất khẩu khí đốt. Tình hình hiện nay tại Qatar là cơ hội để Gapzom tăng xuất khẩu”, ông Yushkov nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.