Quân đội Trung Quốc diễu binh trong khuôn khổ cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga |
Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội
Trung Quốc đang quyết tâm đi đúng hướng trong việc hiện đại hóa quân sự và có thể thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2035, thậm chí có thể đạt mục tiêu trước mốc thời gian này.
Đây là nhận định trong báo cáo Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc (UCESRC) vừa mới được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ hôm 14/11. Báo cáo này cũng chỉ ra các tác động đến an ninh quốc gia của Mỹ trong mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai cường quốc.
Cụ thể, Bắc Kinh có thể đã cạnh tranh với các hoạt động quân sự của Mỹ trong các mặt trận trên bộ, trên không, hàng hải và thông tin trong phạm vi “Chuỗi đảo thứ hai” (the Second island chain).
Trong đó, chuỗi đảo thứ hai là một tuyến phòng thủ chiến lược của Hoa Kỳ, được hình thành bởi quần đảo Ogasawara, quần đảo Volcano của Nhật Bản, quần đảo Mariana (thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ) và quần đảo Palau.
Năng lực quân sự đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc tại khu vực này đã đặt ra những thách thức cơ bản đối với lực lượng vũ trang Hoa Kỳ về “uy quyền tối cao” thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Báo cáo của UCESRC cũng đề cập tới việc Bắc Kinh đang đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Khi sự hiện đại hóa quân sự phát triển cùng với niềm tin của Bắc Kinh vào Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ngày càng tăng, những nguy cơ đối đầu giữa hai lực lượng mạnh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng sẽ tăng cao”, báo cáo của Mỹ nhấn mạnh.
Ủy ban của Hoa Kỳ cũng cảnh báo quốc hội nước này rằng, sự thất bại trong việc ngăn chặn kịch bản như vậy từ phía Mỹ có thể mở đường cho Trung Quốc sử dụng vũ lực để “xưng bá” khu vực và như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến phòng thủ thứ 2 của Hoa Kỳ.
UCESRC cũng tập trung nghiên cứu về tiến trình phát triển của PLA trong những năm gần đây, bao gồm, sự gia tăng nhanh về sức mạnh vũ khí của cường quốc châu Á, hay sự tập trung chức năng vào lĩnh vực quân sự của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc.
Trong đó, Bắc Kinh đã tập trung phát triển và nâng cấp vũ khí trên tất cả các lĩnh vực quân sự, như súng laser, tàu ngầm không người lái, thủy phi cơ, tên lửa siêu thanh và máy bay chiến đấu siêu âm.
Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng trái phép một số đảo, đá nhân tạo ở Biển Đông, ngang nhiên lắp đặt các hệ thống tên lửa và xây dựng các sân bay tại đây, bất chấp sự phản đối của quốc tế và các quốc gia trong khu vực. Các tên lửa DF và HN mà Trung Quốc lắp đặt trên đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp trong khu vực có tầm bắn lên đến 15.000 km, đặt toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ trong tầm ngắm.
Mỹ gửi thông điệp tới Bắc Kinh
Nhận thức rõ những thách thức nêu trên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đưa ra một cảnh báo ngầm cho Bắc Kinh trong bài phát biểu tại một sự kiện quan trọng đang diễn ra ở Singapore.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ngày 15/11, ông Pence khẳng định: “Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, chủ nghĩa bành trướng và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ, Washington không phân biệt bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng mỗi nước cần phải đối xử công bằng, tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, cũng như tôn trọng quy tắc, luật lệ quốc tế.
Tuyên bố này được cho là nhắm thẳng vào Trung Quốc, nước từ lâu thường xuyên đối mặt với những chỉ trích về hành động chiếm đóng và xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Ông Pence cũng tái đề cập tới cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển quốc tế, mà trong đó, ông Pence tiết lộ rằng máy bay chở mình đã băng qua Biển Đông trong hành trình từ Nhật Bản tới Singapore. Đây được cho là thông điệp về “sứ mệnh tự do hàng hải” của Washington gửi tới Trung Quốc.
Do vậy, dù vắng mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị EAS lần này, tầm nhìn chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn được khẳng định và hiện thực hóa.
Các quốc gia ASEAN đều kỳ vọng vào khẳng định của Phó Tổng thống Pence, rằng Hoa Kỳ tìm kiếm sự hợp tác, chứ không kiểm soát, để tất cả các quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể bảo vệ chủ quyền, cùng nhau thịnh vượng và phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận