Cảnh sát Ferguson đối mặt với người biểu tình |
Bị bắn vì là cảnh sát
Đội trưởng Đội Cảnh sát Quận St. Louis Jon Belmar cho biết, viên cảnh sát 41 tuổi đến từ Phòng cảnh sát St.Louis bị bắn vào vai, còn viên cảnh sát 32 tuổi đến từ Đội cảnh sát Quận Webster Groves bị bắn vào mặt. Hai người này đang được điều trị tại một bệnh viện địa phương. Vụ tấn công xảy ra khi đám đông biểu tình chuẩn bị tan rã. Theo một số nhân chứng tại hiện trường, hai cảnh sát này đã bị bắn trực diện khi đang đứng trước đám đông tập trung trước cửa Sở Cảnh sát thành phố.
Động cơ của tay súng giấu mặt chưa được làm rõ. Ông Belmar nghi ngờ khả năng những kẻ tấn công được “gài” vào nhóm biểu tình hòng tấn công cảnh sát và gây bất ổn. Mặt khác, nhà hoạt động xã hội có uy tín Deray McKesson có mặt tại hiện trường khi vụ việc xảy ra khẳng định, kẻ bắn súng không đứng ở phía người biểu tình. Hắn đứng trên đồi. Theo ông Belmar thì “họ bị bắn chỉ vì họ là cảnh sát”.
TP Ferguson từng là tâm điểm của những vụ biểu tình chống phân biệt chủng tộc hồi cuối năm ngoái liên quan đến vụ việc Darren Wilson, viên cảnh sát da trắng bắn chết Michael Brown, một thanh niên da đen không có vũ khí trong người, khi người này được cho đã giơ tay hàng hồi tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn bang Missouri phán quyết viên cảnh sát Darren Wilson không có tội, gây ra những những cuộc biểu tình trên hơn 170 thành phố nước Mỹ.
Vài ngày gần đây, sau khi Bộ Tư pháp liên bang công bố báo cáo điều tra vụ Michael Brown, trong đó chỉ trích gay gắt Tòa án và phòng cảnh sát địa phương phân biệt chủng tộc với người da đen, liên tiếp các quan chức cấp cao TP Ferguson nộp đơn từ chức.
Quan chức cấp cao đầu tiên từ chức là Thẩm phán Ronald Brockmeyer vào hôm 9/3. Tiếp sau đó, ngày 10/3, Quản trị thành phố (chuyên giám sát hoạt động cảnh sát) John Shaw cũng nộp đơn từ chức và được chấp thuận. Mới đây nhất là Cảnh sát trưởng Thomas Jackson. Quyết định từ chức của ông Jackson sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 19/3 tới để có thời gian bàn giao nhiệm vụ cho người kế nhiệm.
Người da đen chiếm 93% các vụ bắt bớ
Cuộc biểu tình nói trên nổ ra đêm 11/3 trước cửa trụ sở Phòng cảnh sát TP Ferguson ăn mừng việc ông Thomas Jackson từ chức vài giờ trước đó. Ban đầu, cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình nhưng sau đó giữa cảnh sát và người biểu tình xảy ra đụng độ. Anh DeRay McKesson, một người biểu tình cho biết: “Cảnh sát trưởng từ chức là chưa đủ. Chúng tôi muốn hơn thế. Phòng cảnh sát TP Ferguson phải bị giải tán, Thị trưởng James Knowles phải từ chức”. Đồng thời, họ vẫn chưa thỏa mãn với phán quyết trắng án của Tòa án địa phương và Bộ Tư pháp Liên bang Mỹ dành cho cảnh sát da trắng Darren Wilson trong vụ Wilson bắn chết trẻ vị thành niên da đen Michael Brown hồi năm ngoái.
Báo cáo của Bộ Tư pháp điều tra những cáo buộc vừa công bố cũng cho biết, lực lượng cảnh sát gần như toàn da trắng của TP Ferguson kỳ thị đa số cư dân da đen của thành phố, trong đó có những vụ chặn xe trên đường, bắt giữ và phạt tiền tùy tiện, dùng vũ lực thái quá. Báo cáo nói những quan chức thành phố vận hành tòa án của mình như doanh nghiệp kiếm tiền và cảnh sát tại đây thường xuyên vi phạm các quyền Hiến định của người da đen.
Ngoài ra, người da đen chỉ chiếm 67% cư dân TP Ferguson nhưng chiếm tới 93% các vụ bắt bớ; 85% các vụ kiểm tra giao thông thường lệ; 90% bị ghi vé phạt vi phạm luật giao thông. Trước kết luận điều tra này, nhiều ý kiến cho rằng, Sở cảnh sát Ferguson phải giải tán. Tuy nhiên, Thị trưởng James Knowles bác bỏ ý kiến trên, khẳng định sẽ xem lại bản báo cáo và sớm tìm ra thiếu sót của lực lượng cảnh sát.
Tổng thống Barack Obama nói rằng, ông hoàn toàn ủng hộ bản báo cáo và các cư dân da đen của Ferguson đã bị sách nhiễu, ngược đãi, hành hung, lăng mạ, bị phạt vô cớ và phạt vạ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận