Ngày 8/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất trong chương trình do thám quy mô lớn của Trung Quốc - chương trình mà theo ông Blinken, đã “vi phạm chủ quyền của nhiều quốc gia tại 5 châu lục”.
Ông Blinken cũng cho biết Mỹ đã chia sẻ thông tin về khí cầu Trung Quốc với hàng chục quốc gia trên thế giới thông qua các đại sứ quán của Mỹ trên toàn cầu.
Ông Blinken đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh các lực lượng Mỹ đang trục vớt mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc bị tiêm kích Mỹ bắn hạ cuối tuần trước ngoài khơi bang Nam Carolina sau khi thiết bị xâm nhập không phận Mỹ.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết FBI và Cục Điều tra Tội phạm Hải quân Mỹ đang tìm cách thu hồi mảnh vỡ khí cầu, chuyển về đất liền để phục vụ công tác phân tích, thu thập thông tin.
Hải quân Mỹ trục vớt mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc ngoài khơi bang Nam Carolina. Ảnh - AFP
“Khi nhìn vào quy mô của chương trình do thám của Trung Quốc và dựa trên thực tế chúng tôi nắm được thông tin phát hiện khí cầu Trung Quốc hoạt động ở ít nhất 5 châu lục, khu vực chẳng hạn Mỹ Latinh, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và châu Âu, không khó hiểu vì sao Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc là thách thức ngày càng gia tăng”, ông Ryder cho hay.
Ông Ryder cho rằng những khí cầu này đều mang đặc điểm chung của khí cầu do thám, dù khác nhau về kích thước và khả năng.
Trước đó, Lầu Năm Góc thông tin rằng khí cầu Trung Quốc từng đi vào không phận Mỹ 3 lần dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump mà không bị phát hiện. Hãng tin CNN dẫn thông tin từ tình báo Không quân Mỹ cho hay một khí cầu Trung Quốc từng di chuyển quanh Trái Đất, qua Hawaii và bang Florida trong năm 2019.
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 8/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không trả lời trực tiếp khi nhận được câu hỏi của phóng viên rằng liệu ông có nắm được thông tin về việc khí cầu Trung Quốc đi vào không phận các thành viên của liên minh hay không.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho rằng: “Trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các năng lực quân sự mới, bao gồm các nền tảng tình báo, do thám khác nhau. Chúng tôi cũng nhận thấy Trung Quốc tăng cường hoạt động tình báo tại châu Âu qua nhiều nền tảng khác nhau như vệ tinh, không gian mạng và như những gì chúng ta đã thấy tại Mỹ - thông qua khí cầu. Do đó, chúng ta cần cảnh giác, nhận thức được rủi ro thường trực từ hoạt động tình báo của Trung Quốc và đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ”.
Ngày 9/2, phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết quốc gia này đã xác minh từng xảy ra một số trường hợp khí cầu lạ bay qua vùng trời Nhật Bản, bao gồm khu vực ngoài khơi đảo Kyushu, Tây Nam Nhật Bản năm 2022. Ông Matsuno cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và trao đổi thông tin với đồng minh Mỹ.
Về phần mình, Trung Quốc khẳng định khí cầu của nước này bị Không quân Mỹ bắn rơi là khí cầu dân sự phục vụ cho nghiên cứu khí tượng và khoa học đi lạc vào không phận Mỹ hoàn toàn do tai nạn bất khả kháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận