Góc nhìn

Mỹ châm ngòi “thùng thuốc súng” ở Dải Gaza

16/05/2018, 15:47

Ít nhất 59 người Palestine thiệt mạng và hơn 2.400 người bị thương sau một ngày Đại sứ quán Mỹ khai trương tại Jerusalem.

32

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầu nguyện tại Bức tường Than khóc ở phía Đông Jerusalem năm 2017

Kẻ khóc, người cười

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà nước Israel năm nay là dịp đặc biệt nhất đối với người Do Thái vì trùng với ngày chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, đánh dấu hành động của Washington trong việc công nhận thành phố này là Thủ đô của Israel.

Còn đối với người Palestine, nỗi buồn lại nhân đôi sau 70 năm ngày Nakba - “Thảm họa” khi 700.000 người Palestine phải rời bỏ quê hương năm 1948 khi Nhà nước Do Thái được thành lập.

Một kết cục bi thương không kém đã đến với người Palestine khi máu và nước mắt của họ tiếp tục “tắm đẫm” Dải Gaza sát biên giới với Israel, trong một làn sóng biểu tình kéo dài hai ngày liên tiếp 14, 15/5.

Năm 1980, Israel ban hành quyết định tuyên bố TP Jerusalem, bao gồm khu vực phía Đông (trước đây của người Palestine) là thủ đô “hoàn chỉnh và thống nhất” của Israel. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối việc công nhận bất hợp pháp này và thông qua một nghị quyết kêu gọi “những quốc gia đã thành lập các phái bộ ngoại giao tại Jerusalem rút lại các hoạt động tại đây”.

Trước con số thương vong quá lớn chỉ trong ngày 14/5, chính quyền Palestine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có sự “can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn cuộc thảm sát kinh hoàng do các lực lượng chiếm đóng của Israel gây ra với những người dân anh hùng Palestine”, người phát ngôn Chính phủ Youssef Mahmoud nói trong một tuyên bố ngày 15/5.

Nhiều quốc gia đã lên án cuộc tàn sát đẫm máu của Israel lên người biểu tình ở Dải Gaza, trong đó có em bé 8 tháng tuổi bị chết vì hít phải hơi cay của quân đội Israel.

Trong đó, Iran cho rằng, các quan chức Israel nên bị xét xử như những tội phạm chiến tranh vì đã giết hại trẻ em, phụ nữ và người không có khả năng tự vệ cùng sự chiếm đóng lãnh thổ Palestine.

10 trong số 15 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 14/5 đã gửi tuyên bố chung tới Tổng thư ký Antonio Guterres bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình hình bạo lực gia tăng ở Dải Gaza và thất vọng trước việc nghị quyết năm 2016 yêu cầu Israel chấm dứt xây dựng các khu tái định cư Do Thái trên đất Palestine đã không được thực thi.

Theo yêu cầu của Kuwait, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức họp khẩn về cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình Palestine và lực lượng Israel trên dải Gaza trong ngày 15/5 (theo giờ Mỹ).

Tổng thư ký LHQ kêu gọi lực lượng an ninh Israel phải kiềm chế tối đa việc bắn đạn thật, trong khi lực lượng Hamas và những người chỉ huy các nhóm biểu tình phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn các hành vi bạo lực và quá khích.

Ông Guterres cho rằng, tình trạng bạo lực đang diễn ra càng nhấn mạnh nhu cầu bức thiết về việc phải có một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, lý giải cho hành động của quân đội Israel tại Dải Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, đây là hành động tự vệ chống lại phong trào Hamas.

Nhà lãnh đạo Israel nhấn mạnh, mọi quốc gia đều có quyền bảo vệ biên giới của mình. Hamas đã tuyên bố kế hoạch hủy diệt Israel và đưa hàng nghìn người vượt biên giới để thực hiện mục tiêu này. Israel sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ chủ quyền và người dân nước này.

Khoảng 1.000 nhân viên cảnh sát đã được bố trí xung quanh Đại sứ quán Mỹ và các khu vực lân cận để bảo vệ an ninh cho lễ khai trương ngày 14/5, trong khi lực lượng quân đội Israel được huy động gần gấp đôi số lượng quân xung quanh Dải Gaza và khu vực Bờ Tây.

Tranh cãi không hồi kết về Jerusalem

Trong video mừng ngày khai trương Đại sứ quán Mỹ, Tổng thống Trump khẳng định, Washington vẫn cam kết nỗ lực vì tiến trình hòa bình Trung Đông và bảo tồn hiện trạng các di tích của vùng thánh địa này.

Tuy nhiên, tranh cãi về Jerusalem vẫn là vấn đề chính giữa Israel và người Palestine để đạt được tiến trình hòa bình Trung Đông. Người Palestine vẫn coi phần Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai.

Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên mở đại sứ quán ở Israel tại Jerusalem. Một số nước, chủ yếu ở châu Phi và châu Mỹ Latinh trước đây đã có đại sứ quán tại Jerusalem, nhưng hiện cơ quan ngoại giao của các nước này đặt tại Tel Aviv.

Sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một số quốc gia như Guatemala, Paraguay ủng hộ và theo chân ông Trump.

Tuy nhiên, 128 quốc gia khác, trong đó có các đồng minh phương Tây của Mỹ và hầu hết các nước EU đã phản đối quyết định này và cho rằng: “Chủ quyền ở Jerusalem chỉ có thể được quyết định bằng các cuộc đàm phán giữa Israel và người Palestine”.

Một đồng minh khác của Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas rằng, đất nước “Mặt trời mọc” sẽ không di chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, trong một động thái ủng hộ người Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến Brussels (Bỉ) để thuyết phục các bộ trưởng Ngoại giao của EU.

Tuy nhiên, ông Netanyahu chỉ nhận được “gáo nước lạnh” từ người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối là Federica Mogherini nói rằng: “Ông ấy (Netanyahu) có thể mong đợi sự đồng tình từ người khác. Còn từ các thành viên EU, sẽ không có chuyện đó”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.