Cụ thể, ngày 28/1 (giờ địa phương), các công tố viên liên bang Mỹ đã nộp hồ sơ truy tố công ty thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei Technologies Co. với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ và có hành động lừa dối các ngân hàng trong việc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Iran.
Công ty Huawei trong thời gian qua cũng bị chính phủ Mỹ cáo buộc là bán các thiết bị viễn thông nhằm mục đích do thám cho chính quyền Trung Quốc.
Hồ sơ truy tố mới này đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới, ngay trước thềm một cuộc đàm phán thương mại để giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Trong bản cáo trạng gồm 13 tội danh nộp tại tòa ở Brooklyn, New York, các công tố viên Mỹ cáo buộc công ty Huawei, hai công ty liên quan và Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu có hành vi lừa dối và thông đồng liên quan tới các giao kèo làm ăn với Iran.
Một bản cáo trạng khác, gồm 10 tội danh, cũng được nộp tại tòa ở tiểu bang Washington cáo buộc Huawei đánh cắp các bí mật thương mại của công ty T-Mobile USA Inc. và hứa hẹn sẽ thưởng tiền cho các nhân viên nào lấy cắp được kỹ thuật tân tiến từ các đối thủ của Huawei.
T-Mobile USA Inc. nộp đơn kiện Huawei và công ty chi nhánh ở Mỹ là Huawei Device USA Inc. vào năm 2014. Tới năm 2017, một bồi thẩm đoàn liên bang ở Seattle ra phán quyết là công ty Huawei có hành động vi phạm giao kèo cũng như lấy cắp bí mật thương mại và yêu cầu công ty viễn thông Trung Quốc bồi thường 4,8 triệu USD vì vụ việc này.
Đơn kiện của T-Mobile về việc bị đánh cắp kỹ thuật cao đã khiến cho giới chức liên bang ở Washington D.C. để ý tới việc này.
Công ty T-Mobile cho biết, Huawei đã cử các kỹ sư Trung Quốc tới văn phòng của T-Mobile ở Bellevue, Washington, để tham khảo robot kiểm tra điện thoại thông minh có tên gọi “Tappy”.
Trong đơn kiện T-Mobile tố cáo: Trong quá trình cộng tác, các nhân viên Huawei đã dò hỏi về robot thí nghiệm và có âm mưu lén mang các phần của thiết bị trên ra khỏi phòng thí nghiệm của T-Mobile.
Bên cạnh đó, bà Mạnh Vãn Châu, 46 tuổi, con gái của người sáng lập công ty Huawei, bị bắt ngày 1/12/2018 ở Vancouver, Canada với cáo buộc có hành vi gian lận để né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Bà Mạnh hiện đang được tại ngoại ở Vancouver nhưng phải đeo vòng điện tử định vị sau khi đóng số tiền thế chân là 7.5 triệu USD.
Chính phủ Mỹ sẽ phải chính thức nộp đơn yêu cầu dẫn độ bà Mạnh trước ngày ngày 30/1.
Bộ Tư Pháp Canada sau đó sẽ có 30 ngày để quyết định việc này. Nếu quyết định tiến hành việc dẫn độ, các cuộc điều trần về dẫn độ sẽ diễn ra trong thời gian sau đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận