Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được đánh giá cẩn trọng, suy tính về vấn đề Biển Đông hơn chính quyền người tiền nhiệm (Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng cạnh tân Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken)
Sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn chức vụ, Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay lập tức điện đàm với những người đồng cấp tại Philippines và Thái Lan. Hai cuộc điện đàm với đồng minh tại Đông Nam Á gợi mở và hóa giải nhiều vấn đề trong “điểm nóng” Biển Đông nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, cốt lõi vẫn là hành động và mức độ chịu rủi ro của Mỹ khi chạm mặt Bắc Kinh tại khu vực này trong tương lai.
Hóa giải nỗi lo của Philippines
Tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines và Thái Lan, tân Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa khẳng định, Washington bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nằm ngoài luật pháp quốc tế và khẳng định lập trường luôn ủng hộ hai nước Đông Nam Á này đối mặt với áp lực từ Trung Quốc.
Đáng quan tâm nhất là cách ông Blinken nhất mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden với Philippines, giải quyết đúng nỗi lo của Manila về cách phản ứng của Mỹ với Trung Quốc trên Biển Đông.
Đặc biệt, ông Biden khẳng định tầm quan trọng về an ninh của Hiệp ước quốc phòng chung (MDT) Mỹ - Philippines và hiệu lực rõ ràng để áp dụng hiệp ước này trong bảo vệ Philippines trước các vụ tấn công vũ lực nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu thuyền, máy bay của Philippines tại Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Lời khẳng định trên đã hóa giải nỗi lo của Manila lâu nay rằng: Liệu Hiệp ước MDT (cơ sở cho mối quan hệ liên minh Mỹ - Philippines) có bao hàm những vấn đề liên quan tới Biển Đông mà Manila đã và đang phải đối mặt trong vài năm gần đây hay không.
Mối lo này từng tăng cao vào năm 2012 khi Mỹ không hề có hành động giữa lúc quan hệ Philippines và Trung Quốc bế tắc liên quan tới Bãi cạn Scarborough.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Donald Trump từng khẳng định, hiệp ước MDT có áp dụng với các vấn đề của Philippines trên Biển Đông nhưng Manila vẫn cần lời xác nhận rõ ràng từ chính quyền mới.
Với Thái Lan, cuộc gọi diễn ra ngắn gọn hơn. Theo nội dung cuộc gọi mà phía Mỹ công bố, “ông Blinken cam kết với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai về sức mạnh liên minh của quốc phòng Mỹ - Thái Lan, đánh giá lại nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và bàn bạc về tầm quan trọng trong hợp tác để nâng cao thịnh vượng, an ninh và giá trị trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Nói cách khác, những cuộc điện đàm này rất nhất quán với lời hứa của ông Biden trước bầu cử, đó là “sẽ ra mặt và cam kết với Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong những vấn đề quan trọng”, theo Tạp chí Diplomat.
Quan trọng là mức độ chịu rủi ro của Mỹ đến đâu
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về Biển Đông như ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ thì cường quốc này cần cách tiếp cận mới trong khu vực này.
Ông Poling cho rằng, chính sách Biển Đông có thể thành công nếu chính quyền ông Biden có thể kết hợp hài hòa những nỗ lực không quá mạnh mẽ nhưng xuyên suốt của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama với thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro với Trung Quốc của chính quyền ông Donald Trump.
“Hiện tại, đánh giá về quan điểm và thái độ của các quan chức Mỹ trong nội các của ông Biden, có thể thấy gần như tất cả đều có quan điểm “diều hâu” và đội ngũ của tân Tổng thống đã dành nhiều thời gian suy tính về vấn đề Biển Đông ngay từ những ngày đầu nhậm chức hơn đội ngũ của Trump”, ông Poling nhận xét và đánh giá chính quyền của ông Biden có thể thành công với chính sách Biển Đông.
Ông Collin Koh, nghiên cứu sinh Khoa Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) nhận định, cam kết hỗ trợ Philippines của ông Blinken “rất rõ ràng”, mở ra nhiều cơ hội để hai bên ngồi lại bàn đàm phán, truyền thêm sức sống mới cho quan hệ đồng minh hai nước.
Song, ông Koh cũng đặt câu hỏi về mức độ chấp nhận rủi ro của chính quyền ông Biden đến đâu.
“Để hiện thực hóa những cam kết này, chính quyền ông Biden sẽ phải duy trì sự hiện diện quân sự Mỹ trong khu vực, đồng nghĩa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chạm mặt nhau gần hơn và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố trong tương lai. Lúc đó, liệu Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đối đầu với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đến mức nào?”, tờ báo Bưu điện Hoa Nam dẫn lời ông Koh cho biết.
Mặt khác, ông Richard Heydarian, một cựu cố vấn Chính phủ Philippines lại cho rằng: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một trong những người có thái độ chính trị quyết liệt, không ngại bạo lực, đang ở những ngày tháng cuối nhiệm kỳ, lâu nay không mặn mà trong quan hệ đồng minh với Mỹ và thực tế đã phát sinh nhiều bất đồng với chính quyền ông Donald Trump.
Vì vậy, “trong ngắn hạn, ông Blinken có thể sẽ vẫn đảm bảo duy trì quan hệ với Philippines như hiện nay trong khi chờ chính quyền kế cận để nâng cấp quan hệ đồng minh, đưa Philippines trở thành nhân tố quan trọng hơn trong chiến lược ngoại giao khu vực của Mỹ”, ông Heydarian nói.
Theo văn bản chính thức thông báo về nội dung điện đàm giữa ông Blinken với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Tocsin, tân Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa nhấn mạnh: Mỹ “bác bỏ những tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông nằm ngoài khu vực hàng hải mà Bắc Kinh được phép tuyên bố theo luật pháp quốc tế, đã nêu trong Công ước Luật biển 1982”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận