Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ủng hộ Hồng Kông hay còn có tên gọi chính xác là Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sau khi Hạ viện Mỹ thông qua và đệ trình.
Ngay sau khi được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được chuyển lại cho Hạ viện Mỹ trước khi nó được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump để ký ban hành.
Nếu ông chủ Nhà Trắng Donald Trump chính thức ký ban hành và áp dụng thành luật, Hoa Kỳ sẽ có nền tảng pháp lý để tiến hành những hoạt động can thiệp vào tình hình Hồng Kông theo hướng mà Washington mong muốn, đúng như những nền tảng đã được nêu rõ trong dự luật.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 là một đạo luật lưỡng viện và lưỡng đảng Hoa Kỳ tái giới thiệu dưới tên gọi Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông theo đề xuất dự luật dẫn độ của Hồng Kông từng được ban hành năm 2019 và các cuộc biểu tình tiếp theo chống lại nó.
Chính quyền Bắc Kinh đã lên tiếng phản đổi việc Hạ và Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật nói trên, đồng thời cáo buộc đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao của nước này cũng đã lên tiếng đe dọa Hoa Kỳ sẽ gánh chịu hậu quả nếu Tổng thống Trump ký ban hành trong thời gian tới.
Về bản chất, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông là bản sửa đổi của "Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992" với những thay đổi chính được mô tả bằng cụm từ "các mục đích khác". (To amend the Hong Kong Policy Act of 1992 and for other purposes).
Theo các nhà lập pháp Mỹ, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông gần như là một dự luật mở, cho phép các bộ, ban ngành của Mỹ có thể thay đổi những biện pháp, phương thức hành động để ứng phó với những diễn biến chính trị ở Hồng Kông theo luật pháp Mỹ đã quy định.
Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông có 10 phần. Ngoại trừ phần 1 nêu tóm tắt toàn bộ đạo luật, 9 phần còn lại là những quy định vừa chi tiết vừa có hướng mở để các bộ của Hoa Kỳ dễ dàng, linh hoạt hành động tương ứng với những diễn biến chính trị liên quan đến tình hình Hồng Kông.
Washington sẽ làm gì?
Theo Văn phòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sẽ là nền tảng cho chính quyền chỉ đạo các bộ phận khác nhau trong thể chế đánh giá xem sự phát triển chính trị ở Hồng Kông có cần thiết phải tiến hành thay đổi cách đối xử với Hồng Kông theo luật pháp của Hoa Kỳ hay không. Cụ thể là:
- Yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hàng năm phải có báo cáo tổng quan chi tiết về quyền tự trị của Hồng Kông để từ đó ban hành các chính sách đặc biệt dành cho Hồng Kông như đã được đề cập theo Đạo luật chính sách Hồng Kông năm 1992.
- Yêu cầu Tổng thống xác định những người chịu trách nhiệm ở Trung Quốc đại lục về các vụ bắt bớ các nhà viết sách, các nhà báo Hồng Kông và những người đồng lõa trong việc mà Hoa Kỳ cáo buộc là "đàn áp các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông", bao gồm cả những vấn đề phức tạp trong việc thể hiện quan điểm của các cá nhân, liên quan đến việc thực thi các quyền được quốc tế công nhận, cũng như quyền đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ và từ chối cho những người có trách nhiệm nhập cảnh vào Mỹ.
- Yêu cầu Tổng thống Mỹ ban hành chiến lược bảo vệ Hoa Kỳ công dân và doanh nghiệp khỏi những rủi ro do Pháp lệnh người phạm tội bỏ trốn sửa đổi, bao gồm cả việc xác định xem có cần sửa đổi thỏa thuận dẫn độ giữa Hoa Kỳ - Hồng Kông và dịch vụ tư vấn đi lại ở Hồng Kông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hay không.
- Yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ có báo cáo thường niên để đánh giá liệu chính quyền Hồng Kông có thực thi đầy đủ các quy định, lệnh trừng phạt liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng sử dụng trong những lĩnh vực nhạy cảm (vũ khí, trang bị) mà Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đã ban hành, đặc biệt liên quan đến Iran và Triều Tiên hay không.
- Chính phủ Mỹ phải đảm bảo rằng những người xin thị thực sẽ không bị từ chối việc cấp visa dù họ có lệnh phải bị bắt giữ, đang bị giam giữ hoặc đang gặp phải những hành động bất lợi khác do các chính phủ khác gây ra do tham gia vào các hoạt động phản kháng liên quan đến vận động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền hoặc củng bố luật pháp ở Hồng Kông.
Ngày 20/11, Hạ viện Mỹ thông qua hai dự luật nhằm ủng hộ người biểu tình Hồng Kông và cảnh cáo Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Hai dự luật này sẽ được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật hoặc sẽ bị phủ quyết. Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được Hạ viện biểu quyết thông qua với tỷ lệ 417-1. Dự luật này đã được Thượng viện thông qua hôm 19/11. Trước đó, Hạ viện đã thông qua một dự luật tương tự. Dự luật đòi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ phải xác nhận ít nhất một năm một lần rằng Hồng Kông duy trì đủ quyền tự trị để được Mỹ dành cho quy chế thương mại đặc biệt giúp lãnh thổ này trở thành trung tâm tài chính thế giới. Dự luật cũng đem lại những chế tài nhắm vào các quan chức chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền tại Hong Kong. Dự luật thứ hai được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 417-0. Dự luật này cũng đã được Thượng viện nhất trí hôm 19/11, qua đó cấm xuất khẩu các loại vũ khí kiểm soát đám đông sang cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông bao gồm hơi cay, đạn cao su và súng bắn điện. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận