Thế giới

Mỹ có thực tâm muốn đàm phán hòa bình với Triều Triên?

28/12/2017, 20:00

Chính quyền Moscow ngày 27/12 tuyên bố, Nga sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giảm căng thẳng...

10

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên

Muốn cả Mỹ và Triều Tiên cùng có trách nhiệm

Theo báo chí Mỹ, Moscow từ lâu đã kêu gọi Bình Nhưỡng và Washington chủ động tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giảm căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đang theo đuổi bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc.

“Sự sẵn sàng của Nga để dọn đường cho việc giảm căng thẳng, va chạm quân sự nguy hiểm giữa Mỹ và Triều Tiên là rõ ràng,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc điện đàm với các phóng viên.

Trước đó, hôm thứ hai đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã kêu gọi Mỹ và Triều Tiên bắt đầu các cuộc đàm phán và nói Nga sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm đó diễn ra, có thể trên đất Nga.

Mặc dù các nhà ngoại giao Mỹ đã nói họ đang theo đuổi một giải pháp ngoại giao, Tổng thống Donald Trump nói Bình Nhưỡng phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào bắt đầu.

Trong một cuộc điện đàm, ông Lavrov nói với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson một ngày sau đó rằng “những lời lẽ hung hăng, hiếu chiến của Washington và việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và không thể chấp nhận được”.

“Sự cần thiết của việc Hoa Kỳ nên chuyển từ ngôn ngữ áp đặt, hiếu chiến sang tiến trình đàm phán một cách nhanh nhất đã được nhấn mạnh”, Bộ Ngoại giao Nga nói trong một thông cáo sau tuyên bố của ông Lavrov.

Cách đây không lâu, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí biểu quyết áp đặt những chế tài trừng phạt mới chống lại Triều Tiên hôm thứ sáu để đáp lại vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của nước này hôm 29/11. Với nghị quyết trừng phạt mới vừa được ban bố, Triều Tiên đã phản ứng lại bằng cách gọi đây là một hành động chiến tranh, ngang như một cuộc phong tỏa kinh tế hoàn toàn chống lại nước này.

Mỹ vẫn trừng phạt 2 “ngôi sao” tên lửa của Triều Tiên

Bất chấp những lời kêu gọi của Nga về việc Hoa Kỳ cần chủ động “hạ giọng” và bớt hành động gia tăng áp lực chống Triều Tiên, ngày 27/12, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp đặt các chế tài đối với 2 quan chức Triều Tiên vì vai trò của họ trong các chương trình nghiên cứu và chế tạo tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Một tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng, ông Kim Jong Sik và ông Ri Pyong Chol là những nhà lãnh đạo chính trong chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên. Theo báo chí Hàn Quốc, các ông Kim Jong Sik và Ri Pyong Choil đều được coi là những “ngôi sao” tên lửa được Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đối xử rất tốt.

“Chuyên gia Kim Jong Sik được xem như là một nhân vật quan trọng trong việc phát triển tên lửa đạn đạo nói chung của Triều Tiên, trong đó có những nỗ lực chuyển nhiên liệu của tên lửa đẩy từ chất lỏng sang chất rắn. Trong khi đó, ông Ri Pyong Choil là người có liên quan đến quá trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất của Triều Tiên hiện nay.

Bộ Tài chính Mỹ đang nhắm cụ thể vào các quan chức phụ trách các chương trình phát triển vũ khí chiến lược của Triều Tiên, trong khuôn khổ của chiến dịch làm áp lực tối đa của Hoa Kỳ để cô lập Bình Nhưỡng và hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói.

Theo ông Steve Mnuchin, những hành động này từ phía Mỹ được thực hiện tiếp theo Nghị quyết ngày thứ Sáu tuần trước của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt những chế tài mới mạnh hơn lên Triều Tiên để chặn đứng khả năng gây quỹ mà Washington cáo buộc là “bất hợp pháp” của Bình Nhưỡng.

Một số nhà bình luận của Nga cho rằng Mỹ thực sự đang tìm cớ để tấn công hủy diệt Triều Tiên và khả năng Hoa Kỳ xuống thang, sẵn sàng đàm phán với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un là điều khó xảy ra dù bề ngoài Washington vẫn tỏ ra muốn hòa đàm nhưng với điều kiện là Triều Tiên phải dừng phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân (điều mà Bình Nhưỡng không bao giờ chấp nhận).

Gần đây, Nga cũng đã triển khai, kích hoạt các tổ hợp tên lửa phòng không chống máy bay tối tân S-400 trong một động thái được các nhà quân sự của nước này cho là để chuẩn bị những đòn đánh kiểu “tên rơi, đạn lạc” ngẫu nhiên nhằm vào nước Nga một khi căng thẳng Mỹ - Triều leo thang thành chiến tranh khốc liệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.