Thế giới

Mỹ đã bị bất ngờ trước động thái chính trị của Triều Tiên

04/01/2018, 09:56

Hàn Quốc đã đề xuất một cuộc đàm phán cấp cao giữa nước này và Triều Tiên trong bối cảnh sự kiện Olympic...

32

Triều Tiên đã mở lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc từ ngày 3/1/2018

Hàn Quốc đã đề xuất một cuộc đàm phán cấp cao giữa nước này và Triều Tiên trong bối cảnh sự kiện Olympic mùa đông ở PyeongChang đang tới gần. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho rằng, động thái này có thể ảnh hưởng tới những sức ép mà liên minh Mỹ - Hàn vừa đạt được thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc.

Cơ hội hiếm có cho quan hệ liên Triều

Thông điệp về việc có thể cử một phái đoàn tham dự Olympic mùa đông tại PyongChang, Hàn Quốc của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được phía Hàn Quốc  ngay lập tức hoan nghênh. Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in coi sự kiện Olympic PyeongChang là “cơ hội bước ngoặt để cải thiện quan hệ Nam - Bắc và thiết lập hòa bình”.

Trước đó, trong ngày đầu tiên của năm mới 2018, ông Kim Jong-un trong bộ vest màu xám nhạt và cà vạt cùng tông đã phát biểu diễn văn năm mới, thể hiện một hình ảnh mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn kèm với lời đề nghị sẵn sàng đàm phán với Seoul.

Theo các chuyên gia về Triều Tiên, đây dường như là một sự tính toán kỹ lưỡng của Bình Nhưỡng, khi nhắc tới khả năng gửi phái đoàn sang Hàn Quốc tham dự Olympic mùa đông sắp tới.

Năm 2017 đánh dấu những căng thẳng leo thang đỉnh điểm về chương trình hạt nhân Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thiện sức mạnh tên lửa xuyên lục địa và hạt nhân của nước này để có thể bắn tới lục địa Mỹ khi chiến tranh nổ ra. Trong khi đó, Washington công khai cảnh báo rằng họ luôn để sẵn phương án quân sự “trên bàn”.

Đứng giữa cuộc khẩu chiến gay gắt này, Seoul hiểu họ sẽ là nạn nhân lớn nhất trong một cuộc chiến tiềm năng có nguy cơ nổ ra vào bất cứ lúc nào. Hàn Quốc cũng đã không ít lần chủ động thể hiện quan điểm muốn đàm phán, coi đối thoại là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Trang SCMP ngày 3/1 dẫn ý kiến phân tích của chuyên gia ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ về khu vực Đông Á Daniel Russel cho hay, ông Kim Jong-un đã “nhìn thấu” mong muốn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về một Thế vận hội an toàn. Sự tham gia của Triều Tiên ở thế vận hội sẽ đảm bảo an ninh cho cuộc tranh tài thể thao toàn cầu sắp diễn ra tại Hàn Quốc.

Chính vì thế, đáp lại thiện chí từ Triều Tiên, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Moon nhanh chóng tuyên bố rằng, “Seoul sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào và bất kỳ hình thức nào, miễn là cả hai bên có thể thảo luận việc khôi phục quan hệ và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

Mỹ nghi ngờ quan hệ Mỹ - Hàn rạn nứt

Trái ngược với gợi ý cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, cũng trong thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un đã mạnh mẽ tuyên bố: “Toàn bộ Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn vũ khí hạt nhân của chúng tôi và nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đây là thực tế, không phải đe dọa”.

Chính vì thế, động thái hoan nghênh đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc được đánh giá là làm phức tạp chiến lược an ninh của  hai đồng minh Mỹ - Hàn và cũng cho thấy bất đồng trong vấn đề Triều Tiên chính là điểm yếu của liên minh này.

Theo Reuters, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã cho rằng, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên muốn đàm phán với Hàn Quốc, “có lẽ đó là tin tốt lành, mà cũng có thể không, chúng ta sẽ sớm thấy!”.

Không những thế, ông Trump còn chế giễu lãnh đạo Triều Tiên trên Twitter. Ông Trump nhấn mạnh rằng, nút bấm hạt nhân của mình vẫn hoạt động.

Theo một số nhà quan sát, có thể những lời lẽ từ phía ông chủ Nhà Trắng càng làm cho hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc gần nhau hơn. Một quan chức Triều Tiên đã thông báo rằng, nhà lãnh đạo Kim đã ra lệnh mở lại đường dây nóng với Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom vào lúc 6h30 GMT ngày thứ tư (3/1), sau gần 2 năm đóng cửa.

Phát ngôn viên Yoon Young-chan của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, quyết định mở đường dây nóng của Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng bởi nó có thể dẫn đến sự liên lạc liên tục giữa hai miền.

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc Nikki Haley nói rằng, “Triều Tiên có thể đối thoại với bất cứ ai họ muốn nhưng Mỹ sẽ không công nhận cuộc đàm phán này cho đến khi Triều Tiên chấp thuận dừng sử dụng vũ khí hạt nhân hiện có”.

Đồng thời, bà Haley cho hay, Washington đang cảnh giác trước tin nói rằng Bình Nhưỡng có thể chuẩn bị tiếp tục bắn tên lửa.

Một số chuyên gia phân tích lo ngại rằng, đối thoại sắp tới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ làm “đổ bể” những nỗ lực thi hành biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/12/2017 nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn nhiên liệu và xuất khẩu của Triều Tiên, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Mỹ - Hàn.

Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại hy vọng rằng cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên sẽ tạo một “thời gian nghỉ ngơi” rất cần thiết sau một năm mà hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều khẩu chiến quá dữ dội.

Đồng thời, các bên cần sử dụng sự kiện gắn kết tình cảm hai nước hiếm hoi này để tiếp nối cho các cuộc đàm phán trong tương lai và dần mở rộng hơn với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.