Nhưng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới với siêu biến chủng Delta, Mỹ dường như đã không còn kiên nhẫn.
Tổng thống Mỹ ghi lại hình ảnh tiêm chủng để khuyến khích người dân
Một loạt bang, thành phố bắt buộc tiêm chủng
Theo hãng tin AP, Bộ các vấn đề cựu chiến binh Mỹ vừa trở thành cơ quan liên bang đầu tiên yêu cầu nhân viên y tế bắt buộc phải tiêm phòng Covid-19.
Tại TP New York, Thị trưởng Bill de Blasio thông báo, đến giữa tháng 9, tất cả công chức của thành phố bao gồm giáo viên và cảnh sát bắt buộc phải tiêm phòng, nếu không sẽ phải xét nghiệm Covid-19 hàng tuần.
Bang California cũng ra thông báo tương tự, yêu cầu toàn bộ công chức của bang, hàng triệu nhân viên y tế cả lĩnh vực công và tư phải trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng. Nếu không, họ sẽ phải xét nghiệm thường xuyên. Quy định bắt đầu áp dụng từ tháng sau.
Trước đó, gần 60 tổ chức y tế và sức khoẻ hàng đầu tại Mỹ đã lên tiếng thông qua Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMM), kêu gọi các cơ sở chăm sóc y tế phải có quy định bắt buộc tiêm phòng với nhân viên của mình.
Bác sĩ Ashish Jha, đang làm việc tại Khoa Y học Cộng đồng, Đại học Brown cho biết: “Việc bắt buộc tiêm phòng cần phải là một trong những lộ trình phòng dịch quan trọng trong thời gian tới. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng”.
Hiện chưa rõ những người nhất quyết không tiêm phòng sẽ chịu mức xử phạt hoặc trở ngại gì. Song, một số công đoàn đại diện cho công chức TP New York cho rằng, thành phố cần phải đối thoại với người lao động trước khi áp quy định, tránh gây bức xúc.
Bác sĩ Leana Wen, cựu Ủy viên hội đồng y tế TP Baltimore cho rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nên làm gương, áp đặt các biện pháp bắt buộc mạnh tay hơn với công chức liên bang và ở những khu vực công thuộc thẩm quyền của chính phủ như trên máy bay, tàu hoả, các toà nhà liên bang.
“Chúng tôi cần chính phủ bắt buộc tiêm phòng và chứng thực việc tiêm phòng. Những gì chúng ta đang làm không hiệu quả. Nếu tiếp tục như vậy, sẽ không có gì thay đổi”, bác sĩ Wen nói.
Tại sao nước Mỹ phải cứng rắn hơn?
Hiện nay, tỉ lệ tiêm phòng ở Mỹ đạt khoảng 67%, thấp hơn dự kiến ban đầu là 70%.
Do có người tiêm chủng, có người không và chưa áp dụng xác thực tiêm phòng khi ra/vào các toà nhà, tới nơi công cộng… nên xảy ra tình trạng nhộm nhoạm. Người chưa tiêm phòng cũng thản nhiên không đeo khẩu trang và chẳng ai biết họ làm đúng hay sai.
Bất chấp nhiều nỗ lực vận động, khuyến khích, treo thưởng… với sự vào cuộc từ chính phủ đến nhiều công ty tư nhân, tỉ lệ tiêm phòng chỉ nhích từng chút khó khăn.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong hai ngày cuối tuần qua, chỉ có khoảng 1,5 triệu liều được tiêm. Tỉ lệ tiêm chủng trung bình trong 7 ngày chỉ khoảng 583.000 liều, nhích hơn so với tuần trước đó vài chục ngàn liều (525.000 liều).
Trước đây, Mỹ chỉ cần khoảng 70% dân số được tiêm là có thể tự tin miễn dịch cộng đồng, nhưng nay với sự xuất hiện của biến chủng mới, các chuyên gia, bác sĩ nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng đạt tỉ lệ 85% mới có thể ngăn chặn virus bùng lên. Đồng nghĩa, số người đi tiêm phòng/ngày tại Mỹ cần phải lên tới hàng triệu mới kịp ngăn virus.
Một số chuyên gia y tế và nhiều quan chức, nghị sĩ đảng Cộng hoà vốn có thái độ nghi ngờ với vaccine cuối cùng cũng thay đổi ý định, sẵn sàng chung tay cùng chính phủ giải quyết tình trạng hiện nay.
Đại diện phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise và một số nghị sĩ Đảng Cộng hoà đã tổ chức họp báo tại trụ sở Quốc hội, thống nhất sẽ gạt những nghi ngờ còn tồn tại sang một bên và tập trung vào mục tiêu chung của đất nước.
Người dẫn chương trình của Fox News Sean Hannity cũng lên tiếng trong chương trình nổi tiếng của mình khẳng định: “Chắc chắn, việc người Mỹ đi tiêm phòng có ý nghĩa rất lớn. Tôi tin vào khoa học. Tôi tin vào tiêm chủng”.
Các bác sĩ cũng cho rằng, các kênh truyền thông mạng xã hội như Facebook cần phải mạnh tay hơn nữa để xoá bỏ những thông tin không chính xác về dịch bệnh trên nền tảng của mình.
Theo bác sĩ Jha, quan trọng hơn, Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ cần phải đánh giá và phê duyệt vaccine một cách đầy đủ. Hiện tại, các vaccine mới được thông qua ở mức phê duyệt khẩn cấp. Bước cuối cùng này sẽ giúp cho các công ty có thêm tự tin áp đặt quy định bắt buộc để tiêm phòng, hạn chế ngờ vực về hiệu quả vaccine.
Theo thông lệ quốc tế, tất cả vaccine phòng Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại mỗi nước đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, tạo miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.
Chứng kiến biến chủng Delta hoành hành tại Ấn Độ hồi tháng 5 rồi lan sang Anh, Israel và nhiều nơi khác đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, bác sĩ Albert Ko, chuyên gia về dịch tễ tại Khoa Y tế Cộng đồng, Đại học Yale cho rằng, Mỹ không nên chủ quan. “Đất nước này đã từng kiệt quệ vì dịch bệnh Covid-19, mất đi gần 611.000 người vì virus SARS-CoV-2. Tại sao vẫn còn 1/3 dân số chưa muốn kết thúc đại dịch?”, Albert Ko đặt vấn đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận