Chấm dứt hợp đồng gần 10.000 nhân sự
Theo hãng tin Reuters, hơn 9.500 nhân sự thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Năng lượng, Bộ Cựu chiến binh, Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Những người bị cắt giảm khỏi bộ máy nhà nước chủ yếu là nhân viên thử việc trong năm đầu tiên đi làm, vốn được hưởng ít chính sách bảo vệ trong công việc.

Ban lãnh đạo một số cơ quan tại Mỹ thậm chí còn nhận được yêu cầu chuẩn bị cắt giảm tới 70% nhân sự. (Ảnh: Reuters)
Trong đó, gần 50% nhân viên thử việc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cùng nhiều nhân viên tại Viện Y tế Quốc gia buộc phải nghỉ việc.
Cục Lâm nghiệp Mỹ có kế hoạch sa thải khoảng 3.400 nhân viên mới được tuyển dụng, trong khi Cục Công viên Quốc gia Mỹ sẽ sa thải khoảng 1.000 người.
Cục Thuế vụ Nội địa Mỹ cũng chuẩn bị sa thải hàng nghìn nhân viên ngay trong tuần tới. Động thái này có thể gây áp lực lớn lên nguồn lực của chính cơ quan này bởi thời hạn nộp thuế thu nhập của người Mỹ sắp cận kề, vào ngày 15/4.
Song song với cắt giảm nhân sự, chính quyền Tổng thống Trump dưới sự cố vấn của tỷ phú Elon Musk tiếp tục cắt giảm biện pháp bảo vệ công chức đối với nhân sự chính thức đã được biên chế vào các cơ quan.
Một số cơ quan chính phủ Mỹ cũng thuộc diện tinh giản, sáp nhập. Trong đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) gần như đã bị đóng cửa hoàn toàn.
Ban lãnh đạo một số bộ phận thậm chí còn nhận được yêu cầu chuẩn bị cắt giảm tới 70% nhân sự.
Tuy nhiên, một số kế hoạch sa thải công chức, viên chức đã được xem xét lại hoặc bị các thẩm phán liên bang hủy bỏ.
Điển hình như kế hoạch sa thải khoảng 1.200-2.000 nhân sự tại Bộ Năng lượng, bao gồm 325 người tại Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát kho dự trữ hạt nhân.
Thế nhưng, đợt sa thải này đã được cân nhắc lại để thay đổi, trong đó giữ lại những nhân sự thiết yếu trong lĩnh vực hạt nhân.
Một ví dụ khác là vào ngày 14/2, theo lệnh của tòa án, chính quyền Mỹ đã tạm thời đồng ý không sa thải thêm nhân sự tại Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ ngay phút chót trước nguy cơ bị sa thải hàng loạt.
Cắt giảm 70% nhân sự
Nhà Trắng cho biết ngoài các đợt sa thải, khoảng 75.000 nhân sự đã nhận khoản tiền trợ cấp theo đề nghị của chính phủ Tổng thống Trump để tự nguyện nghỉ việc, tương ứng với khoảng 3% trong tổng số 2,3 triệu nhân sự.
Cụ thể, chính phủ cam kết trả tiền lương và các khoản phúc lợi thường xuyên cho đến tháng 10/2025 mà không bắt buộc phải làm việc.

Tổng thống Trump đã bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk đứng đầu Cơ quan Hiệu suất Chính phủ (DOGE) nhằm hỗ trợ triển khai chiến dịch tinh giản bộ máy chính phủ. (Ảnh: CNN)
Tuy nhiên, các công đoàn đã kêu gọi người lao động không chấp nhận khoản tiền trên, cảnh báo chính sách trên có thể không được đảm bảo.
Hơn nữa, theo hãng tin Reuters, dự luật chi tiêu hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 14/3, trong khi liệu các khoản chi trả hỗ trợ nhân sự tự nguyện nghỉ việc có tiếp tục được đảm bảo hay không vẫn là điều còn bỏ ngỏ.
Thực tế, có nhiều chuyên gia lo ngại trước những quyết sách cứng rắn nhằm tinh giản bộ máy của chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua.
Dù vậy, ngày 14/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã gạt bỏ những mối quan ngại trên và so sánh hoạt động của Cơ quan Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE) là những cuộc kiểm toán: "Đây là những người nghiêm túc. Họ sẽ đi từ cơ quan này sang cơ quan khác để kiểm tra và tìm ra những biện pháp làm việc tốt nhất".
Theo Tổng thống Trump, bộ máy chính quyền đang quá cồng kềnh, cáo buộc nhiều khoản tiền đang bị lãng phí, thậm chí có gian lận, trong bối cảnh chính phủ Mỹ đối mặt với khoản nợ lên đến 36.000 tỷ USD và thâm hụt 1.800 tỷ USD trong năm 2024.
Tổng thống Trump đã bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk đứng đầu Cơ quan Hiệu suất Chính phủ (DOGE) mới thành lập. Hiện cơ quan này đang rà soát lại các khoản chi tiêu và hồ sơ nhân sự với mục tiêu cắt giảm 1.000 tỷ USD ngân sách liên bang.
Theo hãng tin Reuters, ngân sách liên bang Mỹ trong năm 2024 là 6.750 tỷ USD, trong đó, lương của công chức, viên chức dân sự chỉ chiếm chưa đến 5%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận