Góc nhìn

Mỹ đẩy Nga - Trung ngày càng xích gần nhau hơn

19/06/2018, 08:23

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục “nóng” trở lại khi Mỹ chính thức áp thuế 25%...

20

Ba nhà lãnh đạo Nga, Mỹ và Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục “nóng” trở lại khi Mỹ chính thức áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, phá bỏ những nỗ lực đàm phán gần đây. Điều này có thể khiến mối quan hệ Trung Quốc - Nga vốn đã thân thiết nay càng xích lại gần nhau hơn.

Áp lực từ Mỹ

Tờ Guardian của Anh mới đây đã nêu ra một luận điểm cho rằng, thời gian gần đây, Mỹ đang ngày càng đặt ra các mối đe dọa về kinh tế và an ninh cho cả Trung Quốc và Nga. Điều này tạo ra điểm chung giữa Bắc Kinh và Moscow.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây phê duyệt kế hoạch áp thuế trị giá 50 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhằm đối phó với thâm hụt mậu dịch, bất chấp thỏa hiệp đạt được trước đó nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington.

Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng tuyên bố trả đũa sòng phẳng bằng cách tuyên bố áp đặt mức thuế 25% đối với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể tạo ra những thách thức nhất định đối với Trung Quốc trong vấn đề an ninh và chính trị. Vấn đề Đài Loan là ưu tiên hàng đầu trong số các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đang dần bác bỏ chính sách “Một Trung Quốc”, một trong những cơ sở duy trì quan hệ ổn định Mỹ - Trung từ năm 1979.

Còn đối với Moscow, quan hệ Mỹ - Nga đã xấu đi nhiều sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea năm 2014. Các nước phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đã cấm vận kinh tế và ngoại giao chống lại Nga.

Washington cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt lên lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Moscow khi trừng phạt nhiều doanh nhân và tổ chức Nga; hạn chế các ngân hàng do Chính phủ Nga tài trợ ở các nước phương Tây.

Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, cũng như đóng cửa lãnh sự quán của Nga ngày 26/3, để phản ứng lại cáo buộc Moscow có can dự vào một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh.

Căng thẳng của Moscow với Washington cũng đang gia tăng ở Trung Đông khi hai nước ủng hộ hai phe đối lập đối đầu nhau. Trong khi, Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Mỹ lại muốn lập đổ chính quyền đương nhiệm tại quốc gia Trung Đông.

Nga -Trung thân thiết ở cấp độ mới

Các diễn biến gần đây cho thấy quan hệ Trung Quốc - Nga đang ngày càng tốt đẹp và đã nâng lên một “cấp độ mới” chưa từng có tiền lệ sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Bắc Kinh hồi đầu tháng 6/2018.

Trung Quốc là một trong những đối tác chính của Nga trên trường quốc tế và có sự trùng hợp hoặc gần gũi trong phương pháp tiếp cận của hai nước đối với những vấn đề chính như: Tình hình ở Ukraine, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông và Bắc Phi. Nga cũng ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Ngoài mối quan hệ chính trị ngày càng gần gũi, quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng phát triển mạnh mẽ. Đối với Nga, Trung Quốc là một thị trường quan trọng và là nguồn vốn, đặc biệt trong bối cảnh chính trị căng thẳng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, nguồn cung cấp năng lượng ổn định của Nga là rất cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc đã duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 8 năm liên tục. Trong năm 2017, thương mại song phương của Trung Quốc và Nga đã tăng lên mức 84,07 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2016.

Tuy vậy, theo giới phân tích, Trung Quốc và Nga tạm thời chưa thể chuyển từ quan hệ đối tác chiến lược sang liên minh thực sự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây phát biểu tại Diễn đàn Bắc Ngao tại Hải Nam cho rằng, “chúng ta nên duy trì 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và tuân theo cách tiếp cận mới đối với quan hệ ngoại giao giữa các nước trong đó ưu tiên đối thoại chứ không phải đối đầu và quan hệ đối tác thay vì liên minh”.

Chính sách đối ngoại độc lập và không liên kết này đã được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình theo đuổi từ năm 1986 nhằm tách ra khỏi Liên minh Trung - Xô. Sau đó, vào đầu những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu theo đuổi một chính sách “ngoại giao phương chiều”.

Cách tiếp cận này nhằm mục đích phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các nước không nhằm vào các bên thứ ba và cho phép sự linh hoạt hơn trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, quan hệ Nga-Trung tiến xa như thế nào là phụ thuộc vào Mỹ. Trung Quốc sẽ không trở thành đồng minh chính thức với Nga nhưng nước này hoàn toàn có thể sẽ phát triển quan hệ chiến lược cấp cao với Moscow.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.