Yêu cầu này được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký bản ghi nhớ cảnh báo chính quyền sẽ xem xét kỹ lưỡng Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số "quy định cách các công ty Mỹ tương tác với người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu".

Chủ tịch Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ, Jim Jordan hôm qua (23/2) đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) làm rõ cách thực thi các quy tắc của khối đối với các công ty công nghệ lớn Big Tech.
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) đưa ra danh sách những điều nên làm và không nên làm đối với những gã khổng lồ như Alphabet, Amazon, Apple, Booking.com, ByteDance, Meta Platforms, Microsoft, nhằm mục đích đảm bảo sân chơi bình đẳng và mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn.
"Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối lo ngại rằng DMA có thể nhắm vào các công ty Mỹ", ông Jordan viết trong một lá thư gửi cho bà Ribera vào chủ nhật tuần qua và nói rằng các quy tắc này khiến các công ty phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt đồng thời mang lại lợi thế cho các công ty tại châu Âu.
Chủ tịch tiểu ban về nhà nước hành chính, cải cách quy định và chống độc quyền Mỹ, Scott Fitzgerald là người đồng ký vào lá thư. Lá thư chỉ trích mức phạt lên tới 10% doanh thu hàng năm toàn cầu đối với các hành vi vi phạm DMA.
"Những khoản tiền phạt nghiêm khắc này dường như có hai mục tiêu: buộc các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu trên toàn thế giới và là một loại thuế của châu Âu đối với các công ty Mỹ", ông Jordan và Fitzgerald cho biết.
Họ cũng chỉ trích các yêu cầu của DMA, nói rằng một số trong số chúng có thể có lợi cho Trung Quốc. "Những điều này, cùng với các điều khoản khác của DMA, kìm hãm sự đổi mới, làm giảm động lực nghiên cứu và phát triển, trao một lượng lớn dữ liệu độc quyền có giá trị cao cho các công ty và quốc gia đối địch", lá thư cho biết.
Hai người đã thúc giục bà Ribera báo cáo với ủy ban tư pháp trước ngày 10/3.
Ủy ban châu Âu, nơi bà Ribera là quan chức có quyền lực thứ hai sau chủ tịch Ursula von der Leyen, đã phủ nhận việc nhắm vào các công ty Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, bà Ribera cho biết cơ quan hành pháp EU không nên bị thúc đẩy thực hiện các thay đổi đối với các luật đã được các nhà lập pháp phê duyệt.
(Nguồn AP, Reuters)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận