Hình ảnh nhân viên vận chuyển hành lý trắng trợn bẻ khoá lấy ví trong vali hành khách |
Thiệt hại 2,5 triệu USD vì “giặc trộm” vali
Mới đây, Phòng Cảnh sát Miami-Dade (Mỹ) công bố đoạn video từ camera giấu kín trong khoang hành lý tại Sân bay quốc tế Miami cho thấy, nhiều nhân viên vận chuyển hành lý trắng trợn mở vali của hành khách đã qua kiểm tra an ninh để trộm đồ có giá trị. Đoạn video này gây rúng động dư luận.
Không riêng Miami, rất nhiều sân bay khác trên toàn nước Mỹ đối mặt với vấn nạn này hàng ngày. Một nhân viên cũ của Cơ quan An ninh giao thông (TSA) từng gây sốc dư luận khi tiết lộ, việc nhân viên sân bay trộm hành lý của hành khách là “chuyện thường ở huyện” vì “môi trường tác nghiệp rất thuận tiện”.
"Nếu chúng ta không quan tâm tới những vấn đề nhỏ, dần dà nó sẽ phát sinh thành vấn đề lớn hơn. Một kẻ ăn cắp hành lý có ngày sẽ trở thành khủng bố, vì vậy chúng ta không thể dễ dãi với hành vi này”. Ông Patrick Gannon |
Theo điều tra của CNN, từ 2010 - 2014, tổng số đơn khiếu nại lên TSA về việc mất tài sản có giá trị là 30.621 vụ. Hầu hết tài sản bị mất đã qua kiểm tra. Phần còn lại mất tại khu kiểm tra an ninh. Tổng thiệt hại lên tới 2,5 triệu USD. Sân bay Quốc tế John F. Kennedy (JFK) tại TP New York đứng đầu danh sách những sân bay có số vụ khiếu nại mất cắp hành lý; Theo sau là Sân bay quốc tế Los Angeles; Sân bay quốc tế Orlando và Sân bay quốc tế Miami.
Giới chức Mỹ nói chung và TSA nói riêng không phải không quan ngại trước vấn nạn này, thậm chí họ đưa ra hình thức xử phạt rất nặng như đuổi việc, phạt tù khi phát hiện. Ước tính, kể từ năm 2002 tới nay, TSA sa thải 513 nhân viên vì tội trộm cắp. Riêng tại Miami, kể từ năm 2012, cảnh sát bắt giữ 31 người vận chuyển và nhân viên bốc xếp vì tội ăn cắp hành lý, trong đó năm 2015 đã có 6 người bị bắt. Tuy nhiên, những biện pháp đó vẫn chưa đủ để chấm dứt vấn nạn này.
Bồi thường chưa thoả đáng
Khi giới chức Mỹ đang loay hoay đối phó với “giặc trộm” thì hành khách tiếp tục phải chịu thiệt hại đáng kể vì bồi thường chưa thoả đáng.
Thứ nhất, theo Công ước về bồi thường hành lý Warsaw (năm 1929) hoặc Công ước bổ sung Montreal (năm 1999), hãng hàng không là đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu hành lý của hành khách gặp bất cứ thiệt hại nào sau khi đã qua kiểm tra an ninh tại sân bay. Công ước bổ sung Montreal được áp dụng với hầu hết các hãng hàng không của 108 nước tham gia. Các nước còn lại áp dụng Công ước Warsaw.
Nếu so sánh về giới hạn bồi thường hành lý, Công ước Warsaw bồi thường cho hành khách ít hơn Công ước Montreal. Với Công ước Warsaw, hành khách sẽ được bồi thường tối đa 25,33 USD/kg/người đối với hành lý đã qua kiểm tra và 494,68 USD/người (không tính theo kg) đối với hành lý chưa qua kiểm tra. Việc tính kg để bồi thường sẽ khiến những hành khách bị mất các thiết bị điện tử đắt tiền, trọng lượng nhẹ như Macbook (chỉ trên dưới 1kg) hay đồ trang sức sẽ rất thiệt thòi. Còn nếu áp dụng Công ước Montreal, hành khách được bồi thường tối đa 1.685,19 USD/người (không tính theo kg).
Thứ hai, nếu hành khách mất đồ khi đã được kiểm tra thì rất khó để chứng minh ai là kẻ trộm vì hành lý đó đã qua tay rất nhiều nhân viên sân bay nên khó quy trách nhiệm. Tuy vậy, chỉ có nhân viên của TSA có quyền mở vali hành khách để kiểm tra đột xuất nếu nghi ngờ vali có vấn đề. Chẳng hạn, tờ ABC thống kê ngẫu nhiên 31 vụ khiếu nại tại Mỹ với tổng tài sản bị mất tương đương 20 nghìn USD nhận thấy, chỉ bốn vụ được hoàn trả tiền với tổng giá trị 100 USD. Các vụ còn lại đều bị từ chối bồi thường do không đủ bằng chứng.
Một hành khách thường xuyên di chuyển bằng máy bay cho biết: “Tôi không bao giờ để tài sản có giá trị lớn rời khỏi người”. Còn cô Leslie Elkus từng bị “rút ruột” hành lý chia sẻ: “Tất nhiên chúng tôi phải tự bảo vệ mình, nhưng tôi mong các hãng hàng không và sân bay tăng cường bảo vệ hành lý cho khách. Họ nên đầu tư tiền vào thuê người trông hành lý còn hơn là lơ là sau đó phải trả tiền bồi thường mất hành lý cho khách. Có như thế, uy tín của họ mới được đảm bảo”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận