Hồ sơ tài liệu

Mỹ đưa 3 vũ khí khủng tới bán đảo Triều Tiên

12/01/2016, 06:39

Mỹ và Nhật Bản tuyên bố hợp tác sản xuất các bộ phận của tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA tại Nhật Bản.

df
dfMỹ điều máy bay ném bom B52 tới Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh sau tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên.

Đông Bắc Á căng như dây đàn

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok cho biết, hai bên thảo luận một cách chặt chẽ về việc triển khai các khí tài quân sự, ngoài máy bay ném bom B-52 đã được đưa tới Hàn Quốc ngày 10/1 nhằm đáp trả vụ Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch.

Theo đó, các tài sản chiến lược mới được đưa đến Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ bao gồm một tàu sân bay của Mỹ, một tàu ngầm hạt nhân và các máy bay chiến đấu  F-22. “Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục tiến hành những cuộc thảo luận như vậy liên quan đến việc triển khai thêm các tài sản chiến lược trên bán đảo Triều Tiên”, ông Kim Min-Seok nói.

Trong khi đó, Tướng Curtis Scaparrotti - Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã yêu cầu đặt lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc vào tình trạng báo động cao nhất để đề phòng mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.

Liên quan đến tình hình căng thẳng tại Đông Bắc Á, Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản tuyên bố hợp tác sản xuất các bộ phận của tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA tại Nhật Bản. Quan chức hai bên cho biết, việc phối hợp sản xuất này nhằm đối phó với các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

SM-3 Block IIA là loại tên lửa ba tầng, được thiết kế để ngăn chặn các mối đe dọa của tên lửa đạn đạo bay phía trên tầng khí quyển của Trái đất, phá hủy chúng bằng đầu đạn động học sau va chạm ở tốc độ rất cao. Báo chí Mỹ ngày 10/1 cho biết, việc phóng thử các tên lửa này từ các tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo lớp Aegis sẽ bắt đầu vào đầu năm 2017.

Tranh cãi trách nhiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên

Triều Tiên tuyên bố vụ thử bom nhiệt hạch ngày 6/1 là một bước đi nhằm tự vệ trước mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Mỹ; khiến không chỉ Mỹ hay Hàn Quốc lo ngại mà còn cả đồng minh chính của nước này là Trung Quốc nổi giận.

Mỹ và các chuyên gia vũ khí vẫn nghi ngờ đây có thực sự là một vụ thử bom nhiệt hạch hay không? Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang triển khai khoảng 500 chuyên gia ở khu vực biên giới với Triều Tiên để theo dõi tình hình phóng xạ sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhưng tính tới ngày 11/1, vẫn chưa phát hiện chất phóng xạ.

Sau vụ thử, giới chức Mỹ nói rằng: Trung Quốc - đồng minh chính của Triều Tiên có vị trí độc nhất trong việc ngăn cản tham vọng hạt nhân của nước này bằng cách cắt vận chuyển dầu hay ngăn chặn các giao dịch tài chính. Bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và cũng là đồng minh chính của nước này suốt 6 thập kỷ qua.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Triều Tiên thất bại: “Trung Quốc có cách tiếp cận riêng mà họ muốn. Mỹ đã đồng ý và tôn trọng Trung Quốc khi để cho họ có không gian thực hiện điều đó. Nhưng nó đã không mang lại kết quả”. Hiện Mỹ đang soạn một dự thảo trình Hội đồng bảo an LHQ về việc hạn chế thương mại đối với Triều Tiên, trong đó có cả lệnh cấm một phần các tàu thuyền Triều Tiên cập các bến cảng trên thế giới.

Về phần mình, Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích của Mỹ và nói rằng, chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc, chịu trách nhiệm chính về đường lối vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, việc thuyết phục chính phủ Triều Tiên dừng các chương trình hạt nhân là trách nhiệm của tất cả các nước chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc. “Nguồn gốc và sự phức tạp của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không bao giờ là Trung Quốc. Và chìa khóa để giải quyết vấn đề này không phải là Trung Quốc”, bà Hoa nói.

Tuy không trực tiếp đề cập tới Mỹ, nhưng tuyên bố của bà Hoa rõ ràng là nói đến sự cô lập của Mỹ đối với Triều Tiên cả về kinh tế và chính trị suốt thập kỷ qua đang làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, cũng đăng bài bình luận nói rằng, Mỹ “chịu những trách nhiệm không thể trốn tránh cho tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.