Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, động thái này nhằm chuẩn bị sẵn sàng phòng trường hợp châu Âu bị khan hiếm năng lượng do Nga thực hiện biện pháp dừng xuất khẩu khí thiên nhiên khi mâu thuẫn xoay quanh vấn đề Ukraine leo thang.
Bên cạnh Mỹ, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cũng thảo luận với các nước châu Á về việc ký hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn theo hình thức hoán đổi.
Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản chưa có phản ứng ngay lập tức, còn Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán nên chưa hồi đáp.
Ảnh minh hoạ
Quan chức cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết Brussels đang cân nhắc các biện pháp dự phòng nếu đàm phán ngoại giao với Nga thất bại.
EU đang xem xét tất cả các lựa chọn và kịch bản, bao gồm việc hợp tác với các đối tác như Mỹ, Qatar và Azerbaijan trong trường hợp Nga giảm hoặc tạm dừng cung cấp khí đốt.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiếp xúc với các nước sản xuất khí đốt như Qatar, Nigeria, Ai Cập, Libya để thảo luận về việc tăng sản lượng khi xảy ra tình huống nguy cấp.
Tuy nhiên, báo Mỹ đánh giá thị trường khí đốt khó có thể tăng sản lượng nhanh và mạnh như dầu thô vì hầu như không có lượng dự trữ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen khẳng định hai bên đang phối hợp để đảm bảo cung cấp khí đốt tự nhiên một cách liên tục, đầy đủ và kịp thời cho EU từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu, nhằm tránh cho châu Âu bị sốc về nguồn cung, chẳng hạn như bị tác động từ tình hình giữa Nga - Ukraine.
Giới chuyên gia nhận định, căng thẳng giữa Nga và Ukraine là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới thị trường năng lượng ở châu Âu, vốn đã chứng kiến giá khí đốt phi mã lên mức kỷ lục vào cuối năm 2021.
Nga đang là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu (chiếm khoảng 35% lượng khí đốt).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận