Hồ sơ tài liệu

Mỹ giáng đòn ngoại giao về Hồng Kông, nhiều chuyên gia nói chưa đủ mạnh

29/05/2020, 07:26

Sau tuyên bố Hồng Kông không còn có vị thế tự trị, Mỹ tiếp tục gây áp lực ngoại giao lên Trung Quốc.

img
Cảnh sát chống bạo động được triển khai khắp Hồng Kông để trấn áp biểu tình.

Ra tuyên bố chung nhưng không có biện pháp trừng phạt

Mỹ cùng 3 nước Anh, Canada và Australia ra tuyên bố chung về luật an ninh mới của Bắc Kinh, bày tỏ vô cùng quan ngại về việc Trung Quốc áp luật an ninh mới với Hồng Kông vì cho rằng nó sẽ “hạn chế quyền tự do của người Hồng Kông, làm xói mòn quyền tự trị của khu vực này cũng như chế độ đã mang đến sự thịnh vượng cho thành phố”.

Tuyên bố còn cho rằng, quyết định của Trung Quốc mâu thuẫn trực tiếp với nghĩa vụ quốc tế của nước này theo nguyên tắc ràng buộc pháp lý được ghi trong Tuyên bố chung Trung-Anh.

4 nước cùng bày tỏ lo ngại động thái của Trung Quốc sẽ khiến sự chia rẽ sâu sắc đang tồn tại trong xã hội Hồng Kông sẽ càng trầm trọng và kêu gọi “chính phủ Trung Quốc đại lục hợp tác với chính quyền đặc khu và người dân Hồng Kông, tìm ra giải pháp dàn xếp hợp lý, tôn trọng nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này không đề cập tới hành động có thể sẽ thực hiện nếu Trung Quốc đi trái với tuyên bố chung.

Tuyên bố chung được Anh, Australia, Mỹ, Canada công bố ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua "Nghị quyết về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hồng Kông để Bảo đảm An ninh", mở đường để ban hành luật an ninh ở Hồng Kông, trong đó cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu.

Liên minh Châu Âu (EU) không tham gia vào thông báo của 4 nước nhưng đã khẳng định sẽ đối thoại với Mỹ, Anh, Australia cùng Nhật về các vấn đề Hồng Kông.

Toàn bộ 27 Ngoại trưởng EU sẽ bàn về tình hình này trong cuộc họp ngày hôm nay (29/5) cũng như tương lai quan hệ EU-Trung Quốc. Theo các chuyên gia, dự kiến, tối thiểu, Nghị viện Châu Âu sẽ ký vào tuyên bố chung trên.

Mới là "cú hích nhẹ"

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố của 4 nước không đồng nghĩa tiếp sau đây sẽ có những động thái mạnh mẽ đến từ đa phương.

“Tuyên bố chung không đưa ra bất cứ hậu quả tức thì nào (với Bắc Kinh). Nên, mở mức này, đây chỉ là cú hích nhẹ với Bắc Kinh, yêu cầu dừng hành động, cân nhắc những lo ngại từ người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế” – ông Michael Davis, nhà nghiên cứu tại Đại học Colombia và cựu Giáo sư luật Đại học Hồng Kông nhận định.

Theo giới phân tích, vì các kênh ngoại giao của Trung Quốc và Mỹ vốn bế tắc do không tin tưởng lẫn nhau. Do đó, 2 nền kinh tế lớn nhất đang sử dụng báo chí và hành động trực tiếp của mình để phát tín hiệu cho thấy họ đánh giá quan điểm của nhau.

Tuy nhiên, Quốc hội lưỡng đảng của Mỹ lần này gần như đồng thuận phải có quan điểm cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc, nên rất có thể Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ban hành một số lệnh trừng phạt về vấn đề Hồng Kông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.