Tàu ngầm Novorossiysk trong lễ ra mắt đầu tiên vào năm 2013 |
Nga nâng cấp hạm đội tàu ngầm Biển Đen
Bộ Quốc phòng Nga vừa tuyên bố Nga đang nâng cấp đáng kể hạm đội tàu ngầm biển Đen và dự kiến sẽ triển khai hoạt động ở gần bán đảo Crimea vừa mới được sát nhập.
Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, đô đốc hải quân Nga Viktor Chirkos khẳng định trong một cuộc họp ở Saint Petersburg rằng ông tin hạm đội này sẽ “hồi sinh” và sẵn sàng hoạt động vào năm 2016. Hạm đội sẽ được bổ sung thêm 6 tàu ngầm diesel điện tử mới của dự án 636.
Tàu ngầm lớp Varshavyanka - tên gọi chung của các con tàu trong dự án 636 - được cho là thế hệ tàu ngầm có công nghệ tàng hình tiên tiến và không phát ra bất cứ tiếng động nào khi đang hoạt động.
Việc hồi sinh Hạm đội biển Đen nằm trong loạt dự án hiện đại hóa tàu ngầm của Nga được tiến hành từ nhiều năm nay.
Mỹ không từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu
Hệ thống phòng thủ tên lửa (Ảnh minh họa) |
Mặc dù cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm cường quốc hạt nhân P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Trung Quốc) đã đi đến việc đạt được một thỏa thuận lịch sử nhưng Mỹ vẫn không loại bỏ sự cần thiết của việc thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại mối đe dọa tên lửa của Iran
“Việc giải quyết thành công vấn đề hạt nhân không loại bỏ sự cần thiết (của việc thành lập) hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại mối đe dọa tên lửa của Iran. Chính vì vậy mà trong nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi sẽ hệ thống hóa kế hoạch hành động toàn diện, vẫn giữ nguyên những biện pháp trừng phạt của LHQ đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran trong vòng tám năm”, — hãng tin Sputnik dẫn lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao nói rằng Iran đang sở hữu dự trữ tên lửa đạn đạo lớn nhất ở Trung Đông, và nước này “vẫn là nguồn gốc mối quan ngại của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế”, đòi hỏi sự cần thiết thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa.
Trước đó, phát biểu tại Vienna ngày 14/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã hi vọng Mỹ sẽ thực hiện lời hứa không triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran vừa đạt được.
Ủy ban Hạ viện Nhật Bản thông qua luật an ninh gây tranh cãi
Dự luật an ninh mới được cho là sẽ nâng cấp vai trò của quân đội Nhật Bản. (Nguồn: asianews.it) |
Theo TTXVN, Ủy ban đặc biệt phụ trách luật an ninh của Hạ viện Nhật Bản ngày 15/7 đã thông qua dự luật an ninh, theo đó cho phép thực thi một thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của Tokyo.
Động thái này diễn ra bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ cả ở trong lẫn ngoài Nhật Bản.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định những thay đổi đó, được đồng minh Mỹ hoan nghênh, là yếu tố then chốt để đối phó với thách thức an ninh mới.
Nếu được thông qua, dự luật trên sẽ chính thức hiện thực hóa quyết định lịch sử của Nội các Nhật Bản hồi tháng 7/2014 theo đó Tokyo diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc tiến tới hỗ trợ Mỹ và các nước hữu hảo khác trước cuộc tấn công vũ trang ngay cả khi Nhật Bản không chịu bất kỳ cuộc tấn công nào.
Hơn 1 triệu dân Ukraine đối mặt khủng hoảng nước
Hơn 1 triệu dân Ukraine đối mặt với nạn thiếu nước (Ảnh: AP) |
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF hôm 14/07 nói rằng miền đông Ukraine đang đứng giữa một cuộc khủng hoảng về nước, với gần 1,3 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do cơ sở hạ tầng hư hỏng hoặc bị phá hủy, theo PLO.
Với lượng mưa rất ít trong những tuần gần đây và nhiệt độ mùa hè tăng cao, điều kiện sống đang ngày càng khó khăn cho người dân. Ở Mariupol, một thành phố thuộc khu vực Donetsk, 500.000 dân phải dựa vào nguồn nước từ một hồ chứa "nhanh chóng cạn kiệt", UNICEF cho biết.
Được biết, nhiều gia đình phải sống dựa vào các xe tải chở nước bán hoặc mang thùng, xô đến các làng lân cận nơi còn nước giếng. Vấn đề có thể tồi tệ hơn vì nguy cơ các bệnh liên quan đến nước có thể tăng lên khi người ta không thể lưu trữ hoặc vận chuyển nước một cách an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận