Cấm ô tô có công nghệ Trung Quốc, Nga
Theo thông báo, lệnh cấm sẽ có hiệu lực đối với các mẫu ô tô thông minh từ năm 2027 của tất cả nhà sản xuất có liên hệ với Trung Quốc hoặc Nga, ngay cả khi phương tiện được sản xuất tại Mỹ.
Lệnh cấm đối với phần cứng có liên quan đến công nghệ Trung Quốc hoặc Nga sẽ có hiệu lực đối với các mẫu xe từ năm 2030. Đối với những mẫu xe không có năm sản xuất, lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2029.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ cho hay quy định hiện tại chỉ áp dụng cho ô tô chở khách có trọng lượng dưới 10.001 pound (khoảng 4,5 tấn) do tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng ô tô thương mại.
Đối với công nghệ áp dụng trên xe tải và xe buýt thông minh, Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch ban hành một quy định riêng trong tương lai gần.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), quy định trên được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn thiện sau nhiều cuộc họp với chuyên gia trong ngành cũng như thu thập ý kiến công chúng.
Quy định cũng được xây dựng sau 10 tháng kể từ khi chính quyền của ông Biden tuyên bố xem xét phương án tiếp cận theo từng giai đoạn nhằm cấm sử dụng công nghệ Trung Quốc và Nga cho hệ thống lái xe tự động, hệ thống liên lạc trên xe.
Bảo vệ an ninh quốc gia
Giải thích về quy định mới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết đây là động thái cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ, ngăn chặn các đối thủ nước ngoài thao túng công nghệ, truy cập thông tin cá nhân nhạy cảm của tài xế và chủ xe.
"Đây là cách tiếp cận có chủ đích nhằm đảm bảo loại bỏ công nghệ do Trung Quốc và Nga sản xuất khỏi thị trường Mỹ, từ đó bảo vệ chuỗi cung ứng ô tô thông minh, ô tô kết nối của Mỹ", Bộ trưởng nói thêm.
Bà Raimondo giải thích hiện nay, xe cộ đều được trang bị camera, micrô, hệ thống theo dõi GPS và các công nghệ khác kết nối Internet, do đó người dân Mỹ hoàn toàn có nguy cơ bị xâm phạm thông tin riêng tư.
Phát biểu tại sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) vào ngày 15/1, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách Công nghiệp và An ninh Alan Estevez nhận định các biện pháp này là cấp thiết để hạn chế lượng dữ liệu có khả năng bị Bắc Kinh khai thác.
"Chiếc xe có lẽ biết về bạn nhiều hơn cả vợ chồng hoặc bạn bè của bạn, vì ô tô biết bạn đi đâu, vào thời điểm nào. Miễn là bạn ở trong xe, thiết bị GPS nhỏ bé sẽ theo dõi mọi cung đường bạn di chuyển", ông Estevez nói.
Ngoài lệnh cấm, hiện Mỹ cũng đang áp dụng mức thuế 100% đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc.
Theo báo SCMP, nỗ lực ngăn chặn công nghệ của các quốc gia đối thủ như Trung Quốc và Nga diễn ra khi Washington tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước, cố gắng giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu về sản lượng xe điện.
Hiện tại, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD đang sở hữu một nhà máy tại bang California chuyên sản xuất xe buýt và một số loại ô tô khác. Một số thương hiệu có liên quan đến Trung Quốc, do Trung Quốc tham gia sở hữu như Lotus và Volvo cũng có cơ sở tại Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận