Nhiều giới chức, nhà hoạt động, tổ chức kêu gọi thay đổi luật, cải thiện quyềncủa hành khách trên máy bay |
Dùng còng tay để đe dọa hành khách
Suốt tuần qua, bê bối kéo lê hành khách gốc Việt David Dao dưới sàn máy bay gây chấn thương để nhường chỗ cho nhân viên của UA khiến dư luận thế giới rất bức xúc và có tác động vô cùng mạnh mẽ tới hãng hàng không nói riêng và ngành Hàng không Mỹ nói chung về lâu dài.
Đến ngày 13/4, sau 5 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc, những hệ quả vẫn nối dài. Theo đó, thêm hai nhân viên an ninh bị đình chỉ; luật sư đại diện cho ông David Dao bắt đầu có động thái pháp lý liên quan và UA tiếp tục phải “chữa cháy” để cứu vớt hình ảnh giữa những mối đe dọa khách hàng đòi tẩy chay, giá trị chứng khoán sụt giảm...
Lần thứ 2, Giám đốc Điều hành UA Oscar Munoz gửi thư xin lỗi trực tiếp tới ông Dao và cho biết, công ty không còn sử dụng chính sách cho phép những nhân viên thực thi pháp luật đưa hành khách ra khỏi máy bay trong trường hợp chuyến bay bị quá tải. Ông Munoz thông báo hoàn lại tiền vé cho tất cả hành khách trên chuyến bay hôm đó và đang xem xét lại chính sách bồi thường để khách hàng tự nguyện rời khỏi máy bay trong trường hợp máy bay hết chỗ do chính sách đặt vé quá số chỗ (overbooking), theo Guardian.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không thể làm dịu nỗi bức xúc của hành khách Mỹ. Từ câu chuyện này, người ta bắt đầu lật lại những vụ việc khác được cho là “coi thường hành khách” khác của UA. Đáng chú ý, một tuần trước khi xảy ra vụ lôi kéo, có thông tin cho biết UA đe dọa còng tay hành khách ở khoang hạng nhất.
Theo đó, nhân vật trong vụ việc này là ông Geoff Fearns đã mua vé hạng nhất đi Hawaii tới California nhưng bị nhân viên hãng yêu cầu phải xuống máy bay vì overbooking, theo The Los Angeles Times. Tờ báo này dẫn lời ông Fearns cho biết: “Vào phút cuối, họ yêu cầu tôi nhường chỗ cho một ai đó quan trọng hơn tôi. Họ nói họ có một danh sách các hành khách được ưu tiên và có những người quan trọng hơn tôi cần đi chuyến bay đó”.
Cũng giống trường hợp ông Dao, ông Fearns bị yêu cầu nhường chỗ khi đã yên vị trên máy bay. “Họ nói, tôi không có sự lựa chọn nào khác và đe dọa sẵn sàng còng tay tôi nếu cần để đưa tôi xuống khỏi máy bay”, ông Fearns bức xúc kể.
Khi trở về, ông Fearns đã viết thư gửi CEO của UA yêu cầu đòi bồi thường toàn bộ tiền vé và tiền ông đóng góp 25 nghìn USD cho UA vào một quỹ từ thiện do ông chọn. Nhưng phía UA không chấp nhận và đưa ra mức bồi thường là giảm 500 USD khi ông mua vé máy bay khác.
Kêu gọi cải thiện quyền khách hàng
Sau hàng loạt sự việc trên, rất nhiều quan chức Mỹ và trên thế giới kêu gọi thay đổi chính sách đặt vé quá số chỗ và cải thiện quyền lợi của hành khách. Đáng chú ý, Thị trưởng New Jersey, Chris Christie kêu gọi đình chỉ trên diện rộng chính sách overbooking. Bang New Jersey quan tâm đặc biệt tới tình hình của hãng United Airlines bởi hãng này kiểm soát 70% số chuyến bay tại sân bay quốc tế Newark Liberty ở bang này.
“Đối với những hành khách trả tiền mua vé, đã nhận chỗ, yên vị rồi lại bị các nhân viên thực thi pháp luật kéo khỏi máy bay như UA - đó thực sự là điều vô nhân đạo... Với UA, hành khách luôn luôn bị xếp cuối”, ông nói. Cùng ngày, Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận vì quyền khách hàng lớn nhất tại Mỹ Flyers Rights cho biết, vụ việc vừa qua là “giọt nước làm tràn ly” trong vấn đề đảm bảo quyền lợi của hành khách đi máy bay thời hiện đại. “Hiện nay, hàng không Mỹ đang đứng ở mức thấp nhất trong khảo sát về tỉ lệ hài lòng của khách hàng”, ông nói.
Trên trang In Homeland Security, biên tập viên cấp cao James Lint cho biết, sau sự việc này, đã đến lúc cần phải cải thiện luật đối với hành khách hàng không. Theo ông, mức bồi thường mà UA đưa ra quá thấp. Hãng này cần đưa ra mức bồi thường đủ hấp dẫn để hành khách chấp nhận đổi. Và hiện nay luật pháp không có quy định rõ ràng về số tiền bồi thường hành khách và để hãng hàng không tự quyết định trong những trường hợp như vậy nên nhiều khi hành khách bị thiệt thòi.
Ngoài ra, hơn 20 nghị sĩ Quốc hội Mỹ đến từ cả hai đảng kêu gọi cải thiện luật pháp để tăng cường quyền lợi của hành khách. Trong đó, nghị sĩ bang Pennsylvania, ông Brendan Boyle nói: “Chúng ta là khách hàng. Khi bước lên máy bay, không có nghĩa là chúng ta tự động mất quyền công dân”. Ông cùng nhiều Nghị sĩ khác lập nhóm yêu cầu UA phải thay đổi chính sách bao gồm quyền lợi cho hành khách và vấn đề overbooking. Khoảng 20 thượng nghị sĩ đã gửi thư tới United Airlines với yêu cầu đặc biệt phải làm rõ tại sao lại có chuyện một hành khách đã mua vé, qua cửa kiểm soát an ninh, yên vị ở chỗ ngồi lại phải chịu chấn thương không đáng có.
Không riêng Mỹ, rút kinh nghiệm từ vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Liên bang Canada Marc Garneau cho biết, Chính phủ sẽ đưa ra luật về quyền của hành khách để bảo vệ hành khách hàng không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận