Vậy người gửi tiền tại Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sẽ được bảo vệ như thế nào khi số tiền gửi của họ lớn hơn rất nhiều so với hạn mức được bảo hiểm?
Tình trạng khách hàng rút tiền ồ ạt đã dẫn đến việc Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng hàng đầu của giới khởi nghiệp và công nghệ, phải đóng cửa hôm 10/3. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ. Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) được chỉ định làm bên tiếp quản SVB với tổng tài sản 209 tỷ USD, tổng tiền gửi là 175,4 tỷ USD (tính đến cuối năm 2022).
Ngân hàng Silicon Valley Bank
Hai ngày sau, FDIC tiếp quản thêm tài sản của Ngân hàng Signature, ngân hàng quen thuộc với giới tiền số, bao gồm 110 tỷ USD tài sản và 88,6 tỷ USD tiền gửi, tính đến cuối năm 2022.
FDIC đã thành lập một ngân hàng chuyển tiếp có tên DINB để tiếp nhận tài sản của SVB và thanh toán cho những người muốn rút tiền. Tuy nhiên, người gửi chỉ được chi trả bảo hiểm ở mức tiền nhất định. Trong khi đó, số tiền gửi của khách hàng tại SVB hay Signature thường lớn hơn nhiều so với hạn mức này.
Người gửi tiền ở Mỹ được bảo hiểm như thế nào?
Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) là một cơ quan liên bang độc lập được thành lập ở thời kỳ Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Cuộc khủng hoảng khi đó đã dẫn đến nhu cầu của người dân về việc bảo vệ tiền gửi ngân hàng của họ. FDIC được thành lập theo Đạo luật Ngân hàng năm 1933, được Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký thành luật vào ngày 16/6/1933.
FDIC đảm bảo cho các sản phẩm tiền gửi, bao gồm tài khoản tiết kiệm và tài khoản vãng lai, tài khoản tiền gửi của thị trường tiền tệ và chứng chỉ tiền gửi.
Ông Brian Sullivan, người phát ngôn của FDIC cho biết:
“Trong lịch sử 90 năm của FDIC, chưa có ai bị mất một xu nào trong số tiền gửi được bảo hiểm của họ”.
Bảo hiểm được áp dụng theo danh mục sở hữu và số tiền tối đa được bảo hiểm của mỗi danh mục là 250.000 USD. Có 4 danh mục sở hữu tài sản phổ biến nhất: tài sản cá nhân, tài sản chung, chứng chỉ tiền gửi hưu trí và quỹ ủy thác.
Cụ thể, tất cả số dư tài khoản của một người sở hữu tại một ngân hàng sẽ được cộng lại với nhau và bảo hiểm tối đa 250.000 USD. Số tiền vượt hạn mức 250.000 USD này sẽ không được FDIC bảo hiểm.
Tất cả số dư của tài khoản đồng sở hữu (thuộc về 2 hoặc nhiều người) sẽ được cộng lại với nhau và bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi người đồng sở hữu. Nếu hai vợ chồng đồng sở hữu tài khoản tại SVB, tổng số tiền được bảo hiểm tối đa là 500.000 USD.
Cá nhân có các chứng chỉ tiền gửi hưu trí khác nhau được bảo hiểm tối đa 250.000 USD. Cá nhân thiết lập một quỹ ủy thác cũng được bảo hiểm tối đa 250.000 USD.
Như vậy, tổng số tiền của một cá nhân có cả 4 danh mục sở hữu này được FDIC bảo hiểm sẽ là 1 triệu USD.
“Tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có toàn quyền tiếp cận các khoản tiền gửi được bảo hiểm của họ chậm nhất là sáng 13/3. FDIC sẽ trả trước cho những người gửi tiền vượt quá mức bảo hiểm một khoản trong tuần tới”, thông báo của FDIC ngày 12/3 cho biết.
Với số tiền nằm ngoài phạm vi bảo hiểm, người gửi sẽ nhận được chứng chỉ nhận tiền. Khi FDIC hoàn tất việc bán tài sản của SVB, người gửi mới có thể thực hiện các giao dịch đối với số tiền này.
Làm thế nào để đảm bảo tất cả tiền gửi tại SVB và Signature Bank?
“Đối với các ngân hàng đã được đưa vào diện tiếp quản, FDIC sẽ sử dụng tiền từ Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF) để đảm bảo tất cả tiền của người gửi đều an toàn”, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho biết.
“Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi là bên gánh chịu rủi ro. Đây cũng không phải là tiền từ người đóng thuế”, quan chức này nhấn mạnh.
Vốn của DIF có được từ 2 nguồn: phí bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức được FDIC bảo lãnh và lãi suất nhận được từ việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tính đến năm 2022, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của FDIC có số dư là 128,2 tỷ USD vào năm 2022.
Tạp chí Time ước tính tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB là khoảng 85%. Nói cách khác, khoảng 150 tỷ USD tiền gửi tại SVB không được chính quyền liên bang Mỹ bảo hiểm. Việc có nhiều khoản tiền gửi với số dư vượt mức bảo hiểm 250.000 USD của FDIC là một trong những lý do nhiều người lo sợ mất trắng nếu SVB phá sản.
“Bảo hiểm của FDIC được xây dựng chỉ để tạo niềm tin cho người gửi tiền nhỏ lẻ rằng khi xảy ra chuyện xấu, họ vẫn có thể lấy tiền về. Đối với những người gửi tiền trên mức bảo hiểm thì đây là một vấn đề lớn”, ông John Rizzo, Phó giám đốc cấp cao về quan hệ công chúng tại Clyde Group nhận định.
Khách hàng của SVB bao gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ, các công ty khởi nghiệp hoặc các kỹ sư, doanh nhân giàu có trong lĩnh vực công nghệ. Tài khoản của các khách hàng này thường lớn hơn nhiều so với ngưỡng bảo hiểm 250.000 USD của FDIC.
Tuy nhiên, trong một thông báo chung ngày 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin J. Gruenberg cho biết, toàn bộ tiền gửi tại SVB sẽ được bảo đảm, kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của FDIC (lớn hơn 250.000 USD). Người gửi được tiếp cận tiền của mình từ ngày 13/3.
Cùng ngày, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định Chính phủ sẽ đảm bảo những người gửi tiền ở SVB có thể nhận lại tiền, đồng thời cho biết những người trả thuế sẽ không phải chịu tổn thất. Theo ông Biden, số tiền này là tiền phí mà các ngân hàng đã trả cho tiền gửi bảo hiểm.
Các quan chức Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch để hoàn trả đầy đủ các khoản tiền gửi tại SVB và Ngân hàng Signature chủ yếu là dựa vào Phố Wall và các tổ chức tài chính lớn chứ không phải người nộp thuế.
Ngoài ra, FED cũng thông báo sẽ lập “Chương trình cấp vốn ngân hàng”, cung cấp khoản vay cho các ngân hàng với điều khoản nới lỏng hơn bình thường. Theo một quan chức FED, chương trình này có quy mô đủ lớn để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm trong hệ thống ngân hàng Mỹ.
Bộ Tài chính cũng sẽ dành ra 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Hối đoái cho chương trình của FED. Dù vậy, FED không kỳ vọng dùng đến số tiền này.
Hành động nhanh để ngăn chặn cuộc khủng hoảng có hệ thống
Quyết định của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và Signature – bao gồm cả những khoản tiền gửi trên 250.000 USD - là để tránh một cuộc khủng hoảng “có hệ thống” trên quy lớn, ngăn chặn việc các ngân hàng bị rút tiền thêm nữa.
“Chúng tôi đang thực hiện các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ qua việc củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Bước đi này sẽ đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững”, theo tuyên bố chung từ Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang ngày 12/3.
Tuy nhiên, tờ New York Times lại cho rằng, quyết định trên dường như phản ánh sự thất bại của chính quyền liên bang trong việc tìm một ngân hàng khác để mua lại SVB.
Hầu hết các ngân hàng sụp đổ đều được giải quyết bằng một thương vụ mua lại, giúp người người gửi tiền tránh được nguy cơ mất tiền.
Trong khi Mỹ chưa giải quyết được bài toán này, Chính phủ Anh đã hành động nhanh chóng. Theo đó, HSBC Holdings sẽ mua lại mảng kinh doanh của SVB tại Anh với giá 1 bảng để bảo vệ người gửi tiền và ngành công nghệ.
“Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã sắp xếp việc mua lại chi nhánh của SVB tại Anh, không dùng đến tiền thuế của người dân. Hôm qua tôi đã nói sẽ bảo vệ ngành công nghệ trong nước và chúng tôi đang khẩn trương thực hiện lời hứa đó”, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết ngày 13/3.
Theo ông Hunt, lĩnh vực công nghệ của Anh thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm. Bên cạnh đó, động thái của chính phủ cũng sẽ bảo vệ tiền của người gửi tại ngân hàng này.
Ban hành quy định nghiêm ngặt, ngăn tình trạng ngân hàng sụp đổ
Ngày 13/3, trong bài phát biểu về việc 2 ngân hàng SVB và Signatures sụp đổ, Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu hối thúc Quốc hội ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng, tránh để vụ việc tương tự lặp lại.
Ông lưu ý một gói cứu trợ lớn, như đã được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không nằm trong số các biện pháp đang được chính phủ cân nhắc. Ông cho biết, khi chính phủ tiếp quản ngân hàng này, ban điều hành SVB sẽ buộc phải thôi việc, trong khi các cổ đông của SVB cũng không nhận được tiền hỗ trợ.
Dù Chính phủ Mỹ cam kết giải quyết dứt điểm vụ việc, không để ảnh hưởng lan rộng nhưng tâm lý các nhà đầu tư tại Mỹ vẫn bị ảnh hưởng, dẫn đến việc các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 13/3.
Tính đến 9h40 (giờ địa phương), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,38% xuống 31.788,83 điểm, trong khi S&P 500 cũng giảm 1,12% xuống còn 3.818,50 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 1,09% còn 11.017,85 điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận