Showbiz

Mỹ Linh làm Chat với Mozart II có còn quyến rũ?

24/01/2018, 07:46

Nếu có gọi Chat với Mozart II là một canh bạc của Mỹ Linh và đồng nghiệp có lẽ cũng không sai.

24

Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh trong phòng thu album “Chat với Mozart II”

Canh bạc nghệ thuật

Sự chuyển mình của diva Mỹ Linh sau 13 năm ra mắt phiên bản album Chat với Mozart, người ta như nhận thấy Chat với Mozart II như người đẹp ngủ trong rừng tỉnh dậy sau giấc mộng lâu năm, chẳng biết có còn quyến rũ công chúng nữa hay không?

Giai đoạn giữa những năm 2000 chứng kiến một nhóm nghệ sĩ nữ (mà sau này được cân đo vào danh chức Diva nhạc Việt) loay hoay tìm cách chuyển mình. Thanh Lam thử nghiệm nhạc Trịnh kiểu mới với album Ru mãi ngàn năm (2005). Hồng Nhung đem Thiền đạo và thơ Haiku vào Khu vườn yên tĩnh (2004). Hà Trần lặng lẽ sang Mỹ, tìm tòi phối lại các ca khúc cũ với phong cách âm nhạc xứ cờ hoa trong Hà Trần 98-03. Thu Minh bỏ hẳn cái gốc nhạc nhẹ để dấn thân vào nhạc dance với album Thiên đàng (2005). Đây là thời điểm mà có lẽ ai chậm chân thay đổi thì vĩnh viễn bị quên lãng.

Trong nhịp độ ấy, Mỹ Linh cũng chuyển mình theo phong cách riêng - có lẽ độc nhất vô nhị: Hát nhạc cổ điển với phong cách R&B trong Chat với Mozart. Album ra mắt tháng 9/2005, gây một chút điều tiếng về vấn đề bản quyền và rất nhiều giông bão dư luận về tính chuyên môn. Nhìn ở mặt nào, dấu ấn âm nhạc của sản phẩm này cũng quá mức đậm nét trong một năm đầy biến động. Vậy nên, không lạ khi sang tháng 1/2018 - thời điểm Chat với Mozart II ra mắt, làng âm nhạc tiếp tục giật mình. Sau 13 năm, việc đối thoại âm nhạc với tiền nhân rồi sẽ còn gây bão thế nào nữa?

Nếu có gọi Chat với Mozart II là một canh bạc của Mỹ Linh và đồng nghiệp có lẽ cũng không sai. Quá nhiều trắc trở và dấu hỏi đặt lên sản phẩm này. Từ phần I tới nay đã 13 năm, thế hệ thính giả (người yêu hay ghét) cũng đã thay đổi nhiều. Trong khi đó, album này vẫn làm theo cách xưa - phổ lời Việt cho các bản nhạc cổ điển. Vẫn là đó một ê-kíp với những con người năm nào: Huy Tuấn, Anh Quân, Thanh Bình và ban nhạc Anh Em studio. Quá nhiều dấu ấn cũ, concept cũ trong bối cảnh âm nhạc đương đại đang thay đổi xoành xoạch. Chat với Mozart II như người đẹp ngủ trong rừng tỉnh dậy sau giấc mộng lâu năm, chẳng biết có còn quyến rũ công chúng mới nữa hay không.

25

Bìa đĩa “Chat với Mozart II” của diva Mỹ Linh

Cuộc đối thoại bằng nhạc

Thực chất, sự mới mẻ là có. Và mới nhất chính là việc Mỹ Linh đảm nhiệm phần lớn khâu viết lời với 7 ca khúc, nhạc sĩ Dương Thụ lần này chỉ đảm nhận hai bài. Có lẽ chính sự thay đổi này khiến phiên bản II của Chat với Mozart không chỉ còn phủ lớp rèm nhung cổ điển như cũ. Nhạc sĩ Dương Thụ thiên về màu thâm trầm cổ phong, với lối đưa đẩy lời nhạc đi từ tả cảnh sang diễn tình, theo kiểu từ “bức tường rêu”, “nắng vàng hoe” sang nỗi nhớ “bóng mẹ hiền” (Khúc nhạc buồn); từ “nắng sớm long lanh” tìm kiếm “niềm vui sống chứa chan” (Nắng sớm). Trong khi đó, Mỹ Linh lại có xu hướng lần giở những cảm xúc trước rồi mới ngước mắt nhìn thế giới bên ngoài: Tự hỏi “anh đang nghĩ gì” rồi mới thấy “mùa đông đã về bên ngưỡng cửa”; tự hỏi “lòng còn chờ” và nhận ra “nắng ấm đang ngập tràn” (Anh đang nghĩ gì). Vị nhạc sĩ già nặng về tự sự, trong khi Mỹ Linh luôn tạo ra ít nhất hai ngôi giao tiếp trở lên - một không khí đối thoại đúng với tinh thần “Chat” trên bìa đĩa.

Cũng cần phải nói rằng, đây không phải lần đầu tiên Mỹ Linh viết lời nhạc. Album gần nhất Tóc ngắn Acoustic - Một ngày (2011) chứng kiến cô “thầu lời” của 7/10 ca khúc. Song, 7 năm trước, Mỹ Linh vẫn còn vương vấn những khung cảnh ảm đạm như “cơn bão” “nỗi đau chiến tranh” “giọt cà phê đắng”... Sang tới Chat với Mozart II, không còn lấy chút u buồn nào nữa. Trong ngày đông vẫn thấy “em có anh”, vẫn có “bờ vai ấm áp giữ những dịu dàng” (Khi mùa đông quay về). Tràn ngập album là một cảm quan sống tích cực, gói ghém từ gia đình với mẹ, anh, những đứa con, lũ em thơ, cô em mới cưới, người cha già... Có thể nói, ở lần đặt bút này là một Mỹ Linh đã thừa trải nghiệm sống, đủ để bước qua những nỗi niềm tâm sự u hoài vụn vặt thời Tóc ngắn.

Thành quả của sự chỉn chu

Album lần này, theo giới thiệu, hoàn toàn thu âm thanh live khiến chất âm có độ thật nhất định. Nhìn vào cái cách mà Anh Em studio dàn dựng sẽ thấy Chat với Mozart II chỉn chu trong từng khâu. Anh Quân, như cũ, đứng ở vị trí thống lĩnh; Quốc Bình và Eric đảm nhận drum (trống); Thanh Bình điều tiết bass (nhạc cụ âm trầm); Anna Trương - con gái Mỹ Linh đảm nhận phần thu âm dàn kèn “live” từ Boston (Mỹ). Tất cả nhuộm vào đây một màu sắc Jazz Blue đậm nét. Và bởi Jazz là hoài niệm của những năm 90 của thế kỷ XX, vậy nên âm nhạc của album không quá xa xôi với khán giả đương đại. Dù cái nền là nhạc cổ điển - các trước tác cách đây cả thế kỷ.

Vượt lên trên những thao tác trong phòng thu, giọng hát vẫn là yếu tố đóng đinh chất lượng của Chat với Mozart II. Còn nhớ, trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 5/2014, Mỹ Linh thể hiện thất bại ca khúc thiếu nhi đơn giản Đưa cơm cho mẹ đi cày với việc thường xuyên lên giọng quá phô, cứng. Lần trở lại này dường như là sự đáp trả gay gắt cho những nghi vấn tuột dốc chất giọng của cô. Vẫn còn đó âm sắc soprano mẫu mực, vẫn là các quãng phiêu như múa lụa được chốt bằng các nốt trầm nhẹ bẫng - một chất giọng như rượu vang càng để lâu càng ngọt ngào. Và cũng khó có thể bỏ qua sự tươi mới đến từ cô con gái Mỹ Anh với chất giọng trong trẻo ở Nắng sớm hay rapper Hà Lê đầy phá cách trong Bài ca tự do.

Tựu chung, Chat với Mozart II là một tập hợp của mới và cũ. Nói thế không có nghĩa sản phẩm ra đời từ sự chắp vá vụn vặt. Ngược lại, chỉn chu và đẹp đẽ là những ấn tượng trước nhất. Nếu đây thực sự là sản phẩm phòng thu cuối cùng của Mỹ Linh - như lời cô bộc bạch, chắc chắn là cái kết mỹ mãn nhất có thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.