Thế giới

Mỹ lo ngại tên lửa siêu thanh mới của Nga nhưng tin Ukraine đủ sức kháng cự

22/11/2024, 20:55

Phó Phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh dù thừa nhận tên lửa siêu thanh mới của Nga là mối đe dọa lớn với Ukraine song tin tưởng Kiev hoàn toàn đủ sức kháng cự các cuộc tấn công lớn hơn dưới sự hỗ trợ của Mỹ.

Mỹ dè chừng nhưng vẫn quyết bảo vệ Ukraine

Phó Phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/11, tuyên bố quân đội Nga sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh hoàn toàn mới Oreshnik tấn công vào một cơ sở quốc phòng của Ukraine.

Bà Singh thừa nhận đây là loại vũ khí mới được Nga sử dụng trên chiến trường. Dù Mỹ chưa thể đánh giá ngay tác động của vũ khí này nhưng vẫn rất đáng quan ngại.

Mỹ lo ngại tên lửa siêu thanh mới của Nga nhưng tin Ukraine đủ sức kháng cự- Ảnh 1.

Bất chấp những lo ngại về tên lửa siêu thanh mới của Nga, Mỹ vẫn quyết tâm hỗ trợ Ukraine các trang thiết bị, vũ khí cần thiết trên chiến trường (Ảnh: Reuters).

"Dẫu vậy, Ukraine đã chống chịu vô vàn các cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả những đợt tập kích tên lửa với đầu đạn lớn hơn rất nhiều. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ cho Ukraine những thứ mà họ cần", bà Singh khẳng định.

Trong bài phát biểu, Phó Phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cũng đề cập đến gói viện trợ quân sự trị giá 275 triệu USD dành cho Ukraine và cam kết có thêm hàng viện trợ dành cho Ukraine trong những tuần và tháng sắp tới dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Cùng chung quan điểm, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố Washington sẽ không chùn bước mà tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev.

Trong khi đó, chia sẻ trên tài khoản X sau tuyên bố của Tổng thống Nga Putin, ông Zelensky nhấn mạnh Nga thừa nhận vụ tập kích bằng tên lửa là bước leo thang căng thẳng và cho rằng đây là bằng chứng cho thấy Nga không quan tâm đến hòa bình.

"Thế giới cần phải phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức nếu không, Nga sẽ nghĩ rằng hành động đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được", ông Zelensky lên tiếng.

Mỹ và NATO không thể ngăn chặn tên lửa mới của Nga?

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vụ tập kích sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh hoàn toàn mới Oreshnik là nhằm đáp trả hành động hiếu chiến của các quốc gia thành viên NATO.

Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cảnh báo Nga có toàn quyền tấn công vào các cơ sở quân sự của các quốc gia cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo ông Putin, tên lửa siêu thanh Oreshnik có tầm bắn lên đến 5.000km và khả năng bay với vận tốc Mach 10 (tương đương từ 2,5-3km/giây) đã thành công trải qua "bài kiểm tra" trên chiến trường.

Mỹ lo ngại tên lửa siêu thanh mới của Nga nhưng tin Ukraine đủ sức kháng cự- Ảnh 2.

Tổng thống Nga Putin vô cùng tự tin về sức mạnh của tên lửa siêu thanh Oreshnik (Ảnh: Sputnik).

Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng sử dụng tên lửa siêu thanh Oreshnik nếu thấy cần thiết và cam kết sẽ báo trước cho người dân mỗi lần thực hiện các vụ tập kích mà không phải lo sợ bị đáp trả.

"Tại sao chúng tôi không phải lo sợ? Bởi không có cách nào có thể đối phó với tên lửa siêu thanh Oreshnik. Các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện tại do Mỹ và châu Âu triển khai trên khắp thế giới không thể đánh chặn", ông Putin lý giải.

Đáng chú ý, ngay sau khi Nga triển khai vụ tập kích bằng tên lửa siêu thanh Oreshnik. Phía Ukraine đã lên tiếng cho rằng loại vũ khí mà Nga sử dụng là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vốn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ trước đến nay.

Song, giới chức Mỹ và NATO đều có chung nhận định rằng đây chỉ là tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn vào khoảng 3.000 - 5.500km đúng như Tổng thống Nga Putin mô tả.

Dù vậy, chuyên gia về công nghệ tên lửa và hạt nhân Fabian Hoffmann tại Đại học Oslo, Na Uy, cho rằng điểm đáng lưu ý nhất đối với các loại tên lửa mới của Nga là mang Đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRVed).

Theo ông Hoffmann, Nga có chủ ý khi chọn loại đầu đạn này bởi MIRVed thường chỉ được sử dụng trong các loại tên lửa hạt nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.