Ông Trump và Kim Jong-un gặp nhau hôm 12/6 tại Singapore |
Dù Triều Tiên bị tình báo Mỹ cáo buộc vẫn đang bí mật tiếp tục các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng chưa rõ nước này có vi phạm những gì ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đã đồng ý với nhau ở Singapore hay không.
Chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tới Bình Nhưỡng hôm nay sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa cách thức và thời gian Triều Tiên có thể từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt lớn.
Bất an hay nắn gân nhau?
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ dự kiến ở Triều Tiên trọn ngày 6 và nửa ngày 7/7 để thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về các bước đi cụ thể để giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Không khí lạc quan được tạo ra sau cuộc họp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un hồi tháng trước đang nhường chỗ cho thực tế là việc sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng giải giáp vũ khí hạt nhân khó khăn đến mức nào. Ngoài những thông báo chính thức, báo Atlantic của Hoa Kỳ cho rằng, thật khó để hiểu được những gì hai nhà lãnh đạo Kim - Trump đã thực sự đồng ý với nhau.
Một số quan chức Mỹ cho rằng, chính quyền ông Trump đã thay đổi cách tiếp cận “tất cả hoặc không gì cả” đối với vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ngay cả khi tình báo Mỹ cho rằng, Bình Nhưỡng vẫn đang âm thầm gia tăng sản lượng nhiên liệu vũ khí hạt nhân tại nhiều địa điểm bí mật.
Tờ Atlantic bình luận rằng, hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ hành động nào của Triều Tiên là vi phạm điều mà ông Kim - Trump đã thống nhất với nhau. Bởi, không mấy ai thực sự biết những cam kết phi hạt nhân được hai nhà lãnh đạo bàn trong phòng họp kín.
Thậm chí, có thể hai bên đã tự đặt ra tiêu chí cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên theo cách riêng trái ngược nhau nhưng lầm tưởng rằng đôi bên đã thống nhất ý chí.
Giới phân tích còn cho rằng, báo cáo về việc mở rộng các chương trình hạt nhân có thể là lời cảnh báo của Washington tới Bình Nhưỡng rằng, tình báo Mỹ biết tường tận những gì Triều Tiên đang làm dưới sự chỉ đạo ông Kim. Hoặc có thể, Triều Tiên đang cố tình hành động nhằm gia tăng các đòn bẩy đàm phán với Mỹ.
Nhún nhường để đối thoại tiếp
Tiếp tục chính sách đối ngoại với Triều Tiên, các quan chức hai nước đã gặp nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nhằm thảo luận chương trình làm việc cho chuyến thăm ngày hôm nay của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán vào ngày chủ nhật giữa đại sứ Mỹ Sung Kim và các quan chức Triều Tiên, tuyên bố “phi hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID) có vẻ đã được thay đổi.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định lại định nghĩa mục tiêu của Mỹ là “sự phi hạt nhân cuối cùng, được xác minh hoàn toàn như Chủ tịch Kim Jong-un đã cam kết”.
Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho hay, chính quyền ông Trump đã rút lại yêu cầu CVID theo lời khuyên của Hàn Quốc rằng, các cuộc đàm phán từng bước có thể thành công hơn việc buộc Triều Tiên phải nhượng bộ trước mọi yêu cầu của Mỹ trước khi đạt được bất kỳ sự thừa nhận nào.
Một quan chức khác lại cho rằng, áp lực toàn cầu từ việc trừng phạt kinh tế đã bị suy giảm khi Trung Quốc và Nga quay sang hợp tác nhiều hơn với Triều Tiên. Ngay cả Hàn Quốc cũng đã có nhiều đàm phán cấp cao về hợp tác liên Triều. Vì thế, Mỹ không thể cố giữ lập trường cứng rắn kiểu “được ăn cả ngã về không” của mình.
Trong khi đó, ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng, dường như chính quyền Mỹ cảm thấy bị buộc phải rời bỏ lập trường cứng rắn là vì ông Trump đã “nói hớ” sau hội nghị thượng đỉnh khi tuyên bố trên mạng xã hội câu “không còn mối đe dọa hạt nhân nào từ Triều Tiên”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận