Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tăng thuế mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ ngày 8/3 |
Mỹ đã mở đường cho việc miễn giảm “một cách linh hoạt” thuế nhôm và thép cho một số nước đồng minh chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ 10% đối với nhôm và 25% đối với thép.
“Chọn mặt” giảm thuế
Reuters cho hay, Tổng thống Trump lấp lửng trên Twitter rằng, “sẽ miễn biểu thuế mới cho một vài nước, tùy thuộc vào thái độ”. Điều này sẽ chỉ được áp dụng cho “những người bạn thực sự của nước Mỹ, những quốc gia đồng minh cư xử một cách công bằng với nước Mỹ trong cả thương mại và quân sự”.
Theo giới quan sát, với những lý lẽ kiểu mặc cả như thế, ông Trump quả thực là một nhà kinh doanh lọc lõi với những tuyên bố chung chung kiểu như “linh hoạt” với một số nước. Trong khi đó, trước đó chưa đến một tuần, một cố vấn của ông Trump cho biết, Mỹ sẽ không miễn thuế cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả các đồng minh thân thuộc.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã chuẩn bị sẵn chi tiết các điều kiện để một quốc gia có thể tránh bị đánh thuế nặng khi xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ và chỉ có 15 ngày để hoàn tất các điều kiện này.
Canada và Mexico, hai quốc gia nằm trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ, là những nước đầu tiên có nhiều cơ hội miễn giảm việc áp thuế mới cho mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Trả lời các phóng viên Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông hy vọng Mexico và Canada sẽ được miễn thuế trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho rằng, dù là một bước tiến nhưng “vẫn còn rất nhiều việc vất vả phải làm. Chúng tôi sẽ không ngừng các nỗ lực như vậy”.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo tuyên bố rằng, “sẽ không bao giờ để nước ông trở thành mục tiêu của bất kỳ trò gây áp lực nào. NAFTA là hiệp định giữa ba nước. Khi ai đó muốn rời đi hay ở lại, đó không phải là Mexico”.
Bên cạnh đó, đồng minh Australia cũng là nước có khả năng sẽ nằm trong danh sách miễn trừ thuế. Bởi, sau cuộc trò chuyện qua điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull về hợp tác thương mại và quân sự, ông Trump đã tuyên bố trên Twitter rằng, “đã làm việc rất nhanh trong một thỏa thuận an ninh. Vì vậy, chúng tôi không phải áp thuế thép hoặc nhôm cho đồng minh của chúng tôi, quốc gia hùng mạnh Australia”.
Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế Dani Rodrik của trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy của Đại học Harvard, những mối đe dọa từ chính sách thuế nhôm, thép mới của Mỹ đã bị thổi phồng.
“Thực tế là các biện pháp thương mại của ông Trump giống như những củ khoai tây nhỏ. Chúng làm giảm đi quy mô và phạm vi các chính sách bảo hộ của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong những năm 1980”, ông Rodrik nhận định.
Trung Quốc đáp trả
Trái ngược với Brasil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Liên minh châu Âu đều kêu gọi được Mỹ đối xử đặc biệt, các nhà sản xuất Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh lên các chương trình trả đũa tương xứng, trong đó nhắm mục tiêu vào ngành than của Mỹ.
Đây được coi như một yếu tố then chốt trong cơ sở chính trị của ông Trump và cam kết của tổng thống thứ 45 này về khôi phục ngành công nghiệp Mỹ và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập 3,2 triệu tấn than của Mỹ, trị giá khoảng 420 triệu USD, gấp gần 5 lần giá trị than nhập khẩu từ Mỹ năm 2016. Trong khi đó, Tổng thống Trump lại đang thúc đẩy xuất khẩu than khi nhu cầu từ các công ty điện lực trong nước yếu đi.
Mục tiêu chính từ “cơn thịnh nộ” của ông Trump lần này là Trung Quốc bởi việc tăng trưởng mạnh mẽ ngành sản xuất thép của cường quốc châu Á (cung cấp tới 50% sản lượng thép toàn cầu) đã góp phần gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung thép trên toàn cầu khiến giá cả mặt hàng kim loại này giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9/3 cho biết, các khoản thuế quan sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự thương mại quốc tế thông thường”, Bắc Kinh sẽ “bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Cuộc tranh cãi này còn làm dấy lên lo ngại rằng, đậu nành - mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc có thể bị xếp vào danh sách điều tra sau khi Bắc Kinh khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lúa miến nhập khẩu từ Mỹ, một loại ngũ cốc được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và rượu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận