Nếu thành công, sáng kiến này sẽ giúp lãnh đạo Mỹ thúc đẩy nền kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của cường quốc lớn nhất thế giới.
Câu hỏi đặt ra: Washington sẽ huy động hàng nghìn tỷ USD ở đâu? Lời đáp của đảng Dân chủ Mỹ đó là có thể đánh thuế tỷ phú.
Giới nhà giàu bị chỉ trích là lách luật trốn thuế nên cần có luật mạnh hơn để thu đúng và đủ. Ảnh: Getty Image
Đánh thuế 700 người giàu nhất
Thuế tỷ phú được Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden công bố cách đây vài ngày, chỉ áp dụng với khoảng hơn 700 người giàu nhất tại Mỹ.
Họ là những người có khối tài sản trên 1 tỷ USD hoặc những người có thu nhập trên 100 triệu USD/năm trong 3 năm liên tiếp, theo ABC News.
Với dân số 328 triệu người tại Mỹ, dự luật thuế mới sẽ ảnh hưởng chưa đến 0,001% người Mỹ.
Đã có nhiều thông tin, bao gồm báo cáo độc quyền do tổ chức báo chí phi lợi nhuận ProPublica công bố hồi đầu năm nay cho thấy, giới siêu giàu đang lợi dụng kẽ hở pháp lý để tránh phải nộp thuế thu nhập.
Chẳng hạn như không công bố hết thu nhập thực nên thuế chỉ đánh vào một phần nhỏ so với giá trị. Ví dụ, lương cơ bản của tỷ phú Musk tại Tesla trong năm 2020 là 0 USD, theo ABC News.
Báo cáo của ProPublica chỉ ra, trong khi các hộ gia đình trung bình của Mỹ phải trả 14% thu nhập cho các loại thuế liên bang, thì 25 người Mỹ giàu có nhất chỉ trả mức thuế thực trung bình là 3%.
Một số nhân vật cấp tiến khác chỉ trích, hệ thống thuế hiện tại chưa đủ sắc bén với các tỷ phú.
Ví dụ, Jeff Bezos - người sáng lập Amazon.com, tỷ phú giàu thứ hai thế giới, có tài sản trị giá 193 tỷ USD nhưng phần lớn tài sản của ông không bị tính thuế vì chủ yếu là cổ phiếu Amazon.
“Nếu số cổ phiếu mà Bezos nắm giữ tăng giá 10 tỷ USD mỗi năm, khối tài sản này vẫn không bị đánh thuế nếu chưa được bán. Thực tế, ông Bezos chỉ bị đánh thuế như một người trung lưu kiếm được 80.000 USD/năm”, ông Chuck Marr, chuyên gia về thuế tại Trung tâm ngân sách và ưu tiên chính sách nhận định.
Ở thuế tỷ phú, ông Wendy đề xuất một nội dung thay đổi đáng chú ý, đó là sẽ định giá và đánh thuế các tài sản có thể giao dịch, chẳng hạn như cổ phiếu.
Các tỷ phú sẽ bị đánh thuế đối với lợi nhuận thu về thường niên, cho dù có bán tài sản đó hay không.
Chẳng hạn, nếu khoản đầu tư 1 triệu USD của tỷ phú vào một cổ phiếu cụ thể tăng gấp đôi lên 2 triệu USD thì Sở Thuế vụ Mỹ sẽ đánh thuế khoản lãi 1 triệu USD này.
Hiện tại, chưa rõ mức thuế cụ thể với giới tỷ phú nhưng khả năng sẽ không thấp hơn mức 20% được áp dụng đối với lãi vốn.
Sử dụng nguồn thu thế nào?
Các nghị sỹ đảng Dân chủ coi việc đánh thuế tỷ phú là một cách đóng góp công bằng cho sáng kiến “Tái thiết nước Mỹ tốt hơn”.
Ý tưởng của họ là sử dụng doanh thu từ “thuế tỷ phú” để chi cho gói chi tiêu nội địa đang được đàm phán tại Quốc hội.
Kế hoạch “Build Back Better” được kỳ vọng tạo ra hàng triệu việc làm và mang lại công cụ cần thiết để tầng lớp lao động Mỹ xây lại tương lai tươi sáng hơn.
Trong đó, Mỹ dành một phần không nhỏ cho xây dựng cơ sở hạ tầng… với kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng trưởng năng suất lao động, nâng cao tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Trong đó, chính quyền Tổng thống Mỹ kêu gọi chi 621 tỷ USD cho hạ tầng giao thông, bao gồm 115 tỷ USD cho đường cao tốc và đường bộ; 80 tỷ USD để cải thiện đường sắt, 85 tỷ USD để hiện đại hóa giao thông công cộng, 25 tỷ USD cho sân bay, 174 tỷ USD khuyến khích xây dựng 500.000 trạm xe điện tới năm 2030 và 17 tỷ USD cho đường thủy nội địa, cảng duyên hải…
Phản ứng của giới tỷ phú
Dự luật thuế tỷ phú đã gây ra làn sóng tranh luận trái chiều trong giới siêu giàu Mỹ và đa phần là phản đối. Trên Twitter, nhà sáng lập Tesla Elon Musk - người giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 288 tỷ USD, cực lực phản đối dự luật thu thuế tỷ phú. Ông cho rằng, vấn đề cơ bản là chính phủ đang chi tiêu quá nhiều tiền.
“Họ đã hết tiền từ những người khác và giờ thì họ tìm đến chúng ta”, Musk tuyên bố qua bài viết đăng tải trên Twitter.
Còn tỷ phú John Catsimatidis, Giám đốc điều hành Công ty Lọc dầu Mỹ United Refining, Chủ tịch Công ty kinh doanh chuỗi siêu thị Gristedes cho biết: “Hãy dừng chi tiêu thiếu thông minh.
Giới chức đang đặt ra những khoản ngân sách không hiệu quả và muốn người khác phải gánh chịu. Chúng ta có cần cơ sở hạ tầng không? Chắc chắn là có. Chúng ta có cần những cây cầu chẳng dẫn tới đâu hay không? Không, chúng ta không cần!”.
Leon Cooperman, người lâu nay chỉ trích đề xuất riêng của Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren về đánh thuế người giàu cũng bày tỏ phản đối dự luật thu thuế tỷ phú.
Trả lời phỏng vấn Daily Beast, ông Cooperman nói: “Tôi nghi ngờ tính hợp pháp của nó. Loại thuế này thật nực cười”.
Tuy nhiên, giữa làn sóng phản đối kịch liệt vẫn có một số tỷ phú như nhà đầu tư, từ thiện George Soros ủng hộ.
Dù Warren Buffett chưa lên tiếng bình luận công khai, nhưng tỷ phú của đế chế đầu tư Berkshire Hathaway lâu nay đã kêu gọi đánh thuế cao hơn vào những người siêu giàu như ông.
Hiện chưa có ước tính cụ thể từ Ủy ban lưỡng đảng về thuế vụ, nhưng Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho biết, thuế tỷ phú có thể giúp tăng ngân sách 200-250 tỷ USD trong 10 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận