Thủ tướng Nhật Bản (phải) và Tổng thống Hàn Quốc (trái) sẽ lần lượt có chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Obama (giữa) nhân cơ hội này "kéo" hai nước lại gần nhau hơn (Ảnh chụp tại cuộc gặp ở Hà Lan ngày 25/3/2014 thảo luận về tình hình hạt nhân của Triều Tiên) |
Bất đồng chủ quyền và lịch sử
Hôm qua (7/4), Hàn Quốc phản đối báo cáo về chính sách ngoại giao (Sách Xanh) của Nhật Bản được đưa ra cùng ngày. Trong đó Tokyo nhắc lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo do Seoul kiểm soát mà phía Nhật Bản gọi là Takeshima. Trước đó một ngày, Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố kết quả của việc xem xét lại sách giáo khoa cho học sinh, trong đó cũng nói quần đảo trên là lãnh thổ của Nhật Bản.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu đại sứ Nhật Bản tới để phản đối việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc - Noh Kwang-il tuyên bố: “Nhật Bản lại có bước đi khiêu khích khi thông qua nội dung sách giáo khoa bóp méo sự thật lịch sử rõ ràng” và vấn đề phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh “không thể bị xóa bỏ hay xem xét lại”.
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo, cũng như bất đồng về vấn đề lịch sử luôn khiến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc căng thẳng. Tuần tới, Nhật - Hàn sẽ tổ chức đối thoại an ninh giữa các quan chức cao cấp Quốc phòng và Ngoại giao lần đầu sau 5 năm.
Cố hàn gắn
Những căng thẳng giữa Nhật - Hàn ảnh hưởng không nhỏ tới việc kết nối hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực, hạn chế hoạt động chia sẻ thông tin và thực thi các cam kết quân sự của Mỹ trong khu vực, đặc biệt liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Hàn gắn quan hệ hai nước vốn được coi là một trong những ưu tiên của chính quyền ông Obama trong chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tới đây, cả Thủ tướng Nhật Bản lẫn Tổng thống Hàn Quốc đều có chuyến đi tới Mỹ. Ông Abe sẽ tới Mỹ cuối tháng này, còn bà Park Geun-Hye sẽ tới vào tháng 6. Đây sẽ là cơ hội để Mỹ “kéo” hai nước lại gần nhau hơn.
Thời gian gần đây, các quan chức Mỹ liên tục đi lại giữa hai nước; và hôm nay (8/4), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc kéo dài bốn ngày. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Carter đến khu vực châu Á kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 2/2015. Trước chuyến đi một ngày, ông Carter tuyên bố hoàn toàn ủng hộ việc sớm hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì, TPP có vai trò quan trọng trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh và các đối tác.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc tranh luận tại Ủy ban Ngân sách của Thượng viện mới đây tuyên bố rằng, ông không có ý định đem món quà cho Mỹ nhân dịp chuyến thăm sắp tới đến bằng cách nhượng bộ tại cuộc đàm phán về TPP. Ông Abe nói: “Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cùng; song, vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết. Không thể nói về sự thỏa hiệp chỉ vì tôi sắp thăm Mỹ” và nhấn mạnh “sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, khi cần thiết sẽ tấn công để bảo vệ những điều quan trọng”. Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản về TPP kéo dài ba năm qua với hơn 20 cuộc họp nhưng hai bên vẫn giữ lập trường khác nhau.
Do vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ muốn “kéo” Nhật - Hàn lại gần nhau thật không dễ, bởi ngoài những vướng mắc giữa hai nước còn có những vướng mắc giữa họ với Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận