Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương
Cảnh sát biển Trung Quốc liên tục tuần tra Senkaku
Ngày 26/4, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) có bài bình luận về ý đồ của Trung Quốc trong các hoạt động gần đây liên quan đến quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku, thuộc Thái Bình Dương mà hai nền kinh tế hàng đầu Châu Á đang tranh chấp.
Theo Global Times, lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG hay còn gọi là hải cảnh) đã điều tàu thực thi pháp luật tuần tra vùng biển quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong ngày 25/4, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga ra thông báo chung Mỹ-Nhật khoảng trung tuần tháng 4 vừa rồi.
Trong thỏa thuận đó, Washington đã tái khẳng định điều V của Hiệp ước Hợp tác và an ninh tương hỗ có hiệu lực để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Nhật trên quần đảo Senkaku và hai bên cùng cực lực phản đối mọi hành động đơn phương làm ảnh hưởng tới quyền quản lý của Nhật với Senkaku.
Global Times cho biết, việc CCG điều tàu tuần tra là hoạt động bình thường, được thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua. Như thông tin được đăng tải trên mạng Sina Weibo của CCG, nhiệm vụ tuần tra thường được thực hiện hàng tháng, đôi khi 2 lần/tháng trong vài năm trở lại đây.
Do đó, từ lâu, truyền thông Trung Quốc cũng không còn đăng tin bài về những hoạt động này vì quan hệ giữa hai nước đang dần khôi phục. Tuy nhiên, gần đây, Nhật bắt đầu có xu hướng đứng về phía Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.
Cảnh báo động thái tập trận của Mỹ-Nhật
Một máy bay của Nhật Bản bay qua đảo Senkaku/Điếu Ngư
Tờ Global Times dẫn lời các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu Mỹ và Nhật Bản có ý định leo thang khiêu khích chống lại Trung Quốc trong khu vực phía Tây Thái Bình Dương, thì sẽ không chỉ có CCG mà cả Hải quân và Không quân Trung Quốc sẽ hành động, tham gia tuần tra.
Ngoài ra, trước kế hoạch Mỹ và Nhật chuẩn bị tập trận chung quy mô lớn tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, chuyên gia Trung Quốc cảnh báo nếu Mỹ và Nhật cố tình đổ bộ lên quần đảo này, PLA chắc chắn sẽ hành động để phá tan những nỗ lực như vậy, theo ông Song.
Chỉ cách đây 2 ngày, Trung Quốc, cùng một lúc, đã biên chế tới 3 tàu chiến quan trọng cho Hải quân. Global Times dẫn lời các chuyên gia nhận định, đây được coi là thông điệp thể hiện sự phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc cũng như ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc.
Ngoài ra, theo ông Wei Dongxu, một chuyên gia quân sự làm việc tại Bắc Kinh, bản thân CCG cũng sở hữu rất nhiều tàu tuần tra lớn và đủ năng lực để bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trước "những thế lực bên ngoài đang tìm cách quấy phá".
Theo cáo buộc của chuyên gia này, "cách đây 5-10 năm, đã có rất nhiều tàu thuyền từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thường xuyên làm gián đoạn hoạt động bình thường của ngư dân Trung Quốc trong khu vực. Tàu thuyền của Cơ quan Bảo vệ Bờ biển Nhật sử dụng đến vũ khí chống lại ngư dân không vũ trang của Trung Quốc, thậm chí bắt giữ ngư dân Trung Quốc".
"Nhưng, khi lực lượng hải quân và thực thi pháp luật Trung Quốc tăng cường sức mạnh đáng kể, những sự việc như vậy chưa hề tái diễn" - chuyên gia Wei biện minh.
Từ phía Nhật, tình hình trên đảo Điếu Ngư/Senkaku lại được mô tả khác. Tokyo luôn cảm thấy bất an trước sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Nhật cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh vì những hành động điều tàu hải cảnh truy đuổi, tiếp cận tàu Nhật. Mức độ, tần suất hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc trên biển Hoa Đông đều gia tăng kể từ khi Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh gây tranh cãi.
Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản đã quản lý những hòn đảo này từ năm 1972. Nhưng Trung Quốc cho rằng họ cũng "có chủ quyền từ hàng trăm năm về trước" và cả hai nước đều không chịu nhường bước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận