Thể hiện cam kết với khu vực Trung Đông
“Chúng tôi sẽ không rời đi và chừa khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hay Iran lấp đầy”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh tại Jeddah, bên bờ Biển Đỏ của Saudi Arabia ngày 16/7.
Sáng cùng ngày, ông Biden có cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo Iraq, Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE).
Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để Tổng thống Mỹ thể hiện cam kết với khu vực Trung Đông sau thời gian dài Washington tập trung vào chiến sự Ukraine và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á.
Nội dung hội nghị cũng bao gồm an ninh và ổn định trong khu vực, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và khủng bố. Chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ an ninh lương thực trị giá 1 tỷ USD tại Trung Đông và Bắc Phi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh - AP
Trước đó, ngày 15/7, ông Biden cũng có cuộc gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Dù ông Biden từng lên án Saudi Arabia vi phạm nhân quyền, bao gồm vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi mà tình báo Mỹ cho rằng đã nhận được sự “chấp thuận” từ Thái tử Mohammed bin Salman nhưng trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, theo SCMP, ông Biden dường như muốn cải thiện quan hệ với đồng minh lâu năm Saudi Arabia.
Tại cuộc gặp, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết Saudi Arabia đã hành động để ngăn chặn việc tái diễn những sai lầm tương tự như vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nhưng Thái tử Saudi Arabia cho rằng Mỹ cũng phạm sai lầm liên quan tới việc binh sĩ Mỹ ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq hay vụ sát hại nhà báo Mỹ gốc Palestine Shireen Abu Akleh trong một cuộc đột kích của Israel tại thành phố Jenin, vùng Bờ Tây bị chiếm đóng hồi tháng 5.
Kết quả chuyến thăm
Trả lời về kết quả chuyến thăm, Bộ trưởng Nhà nước phụ trách các Vấn đề Ngoại giao Saudi Arabia Adel Al-Jubeir cho biết chuyến thăm của ông Biden “đạt thành công lớn” nhưng không trả lời câu hỏi về bất đồng giữa 2 quốc gia.
Trước khi chuyến công du Trung Đông đầu tiên của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ diễn ra, các chuyên gia cho rằng ông Biden sẽ tìm cách thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu thô xuất khẩu để giải quyết tình trạng giá nhiên liệu tăng cao.
Tuy nhiên, các trợ lý của ông Biden tỏ ra không quá lạc quan trước khả năng ông Biden đạt thỏa thuận với các nhà sản xuất dầu thô trong khu vực để lập tức tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường.
Về vấn đề Iran và chương trình hạt nhân của nước này, theo SCMP, các quốc gia Trung Đông đang quan điểm khác nhau.
Trong khi, Saudi Arabia, Bahrain, UAE đang tìm cách cô lập và gây sức ép lên Iran thì Oman và Qatar lại có quan hệ ngoại giao gần gũi với Iran và đã đóng vai trò trung gian cho đối thoại giữa Washington và Tehran.
Trước đó, ngày 14/7, ông Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid ký tuyên bố chung cam kết ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, khẳng định cam kết "không bao giờ cho phép Iran sở hữu loại vũ khí này".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận