Đời sống

Mỹ phẩm siêu rẻ gắn mác xịn khiến chị em “ôm hận”

06/04/2021, 06:17

Giá chỉ vài chục nghìn đồng cho một sản phẩm, mỹ phẩm mác xịn, giá rẻ công khai bày bán. Nhiều người ham rẻ mua sử dụng đã lĩnh hậu quả...

img

Mỹ phẩm gắn mác “xịn” với giá siêu rẻ được bày bán tại các khu chợ sinh viên ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Anh

Những lô mỹ phẩm được gắn mác Mỹ, Nhật, Hàn... kèm cả mã vạch với giá chỉ vài chục nghìn đồng, công khai bày bán phục vụ những “thượng đế” ham rẻ mà bất cần tác hại về sau…

Tấp nập các gian hàng mỹ phẩm giá siêu rẻ

Dạo qua những khu chợ cho sinh viên tại Hà Nội, không khó tìm thấy những mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng nhưng lại có “giá rẻ sốc”. Từ các nhãn hiệu như: Chanel, Dior, Mac… cho đến các dòng sản phẩm bình dân của Nhật, Hàn như: Innisfree, 3CE, Hada Labo, … giá bán chỉ bằng 10-30% giá niêm yết tại các đại lý chính hãng.

Trong vai người mua, PV được chị H, chủ gian hàng mỹ phẩm tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) mời chào các mặt hàng “đang được các bạn học sinh, sinh viên ưa thích nhất hiện nay”.

Theo đó, các thương hiệu đẳng cấp thế giới như: Chanel, Dior, MAC chỉ từ 90-160 nghìn đồng/sản phẩm (trong khi giá niêm yết hàng chính hãng phải từ 300-700 nghìn đồng). Đáng nói, những sản phẩm này đều được thiết kế tinh vi, đủ nhãn mác, nếu không phải dân “nghiền” mỹ phẩm khó mà phân biệt.

Ở một gian hàng khác, khi hỏi mua buôn số lượng lớn, chủ cửa hàng đon đả: “Hàng của chị chuyên đổ sỉ đi khắp các tỉnh, các em không phải lo. Son hiệu sỉ 60 ngàn, còn các loại khác 50 ngàn … lấy 10 sản phẩm trở lên là có giá sỉ. Lần sau ra lấy 1, 2 cái chị cũng để giá sỉ cho”.

Theo lời chủ tiệm, đa phần các sản phẩm này sẽ qua tay các “con buôn” sau đó bán lẻ tại các tỉnh, thành lân cận như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Yên... Thấy PV tỏ ra lo ngại về nguồn gốc, chị này khẳng định: “Hàng này bao “check” mã vạch, em không tin lấy điện thoại ra “check” thử đi. Về vẫn bán ngang giá niêm yết của hãng như thường”.

Bỏ qua những nghi vấn về chất lượng, khách mua (chủ yếu là sinh viên) vẫn tấp nập ghé vào các sạp hàng trên. T.M (sinh viên năm thứ 2 Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Em biết là không chất lượng nhưng nó phù hợp với túi tiền nên vẫn dùng và cũng chưa thấy vấn đề gì” (!?).

Gia tăng người thăm khám vì dùng mỹ phẩm “rởm”

img

Một loại mỹ phẩm mác xịn, giá rẻ bán tại khu chợ sinh viên

Mang khuôn mặt tấy đỏ, nổi đầy mụn bọc đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị N.T.T (24 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Cách đây ít tháng, qua mạng xã hội, tôi đã đặt bộ sản phẩm làm trắng được quảng cáo là thương hiệu khá nổi tiếng của Hàn Quốc và giá mềm. Ban đầu còn lăn tăn, nhưng người bán khẳng định hàng chuẩn, giá mềm vì canh được hàng sale. Ban đầu sử dụng cũng có chút râm ran nhưng cứ nghĩ do loại mới nên da chưa quen. Ai dè sau 2 tháng thì mặt ngày càng nổi đầy mụn, đau rát”.

Mã vạch sản phẩm chỉ là các con số và các ký tự mã vạch tạo nên được in trên bao bì sản phẩm, hoàn toàn có thể làm giả, in giả, sao chép giống đến 100%. Chính vì thế nó không có chức năng “chống giả” mà chỉ là một công cụ để người tiêu dùng biết thêm thông tin của sản phẩm như: Tên sản phẩm đầy đủ; Loại sản phẩm (màu sắc, mã màu, mã số sản phẩm); Tên công ty/thương hiệu; Nơi sản xuất, địa chỉ công ty sản xuất, quốc gia…
Với cách làm giả tinh vi từ bao bì cho đến những thông tin về xuất xứ, mã code, mã vạch, đòi hỏi người tiêu dùng luôn cẩn trọng và giữ một cái đầu “lạnh” trước khi mua, tránh để “tiền mất tật mang”.
ThS. Nguyễn Đắc Minh, cán bộ Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia


Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư, những trường hợp như chị T. không hiếm gặp. Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. BS. Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết: “Phòng khám trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20-30 ca tới thăm khám, trong đó có khoảng 10% bị dị ứng, tổn thương vì sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thời gian gần đây, số ca đến khám vì nguyên nhân này tăng đáng kể”.

BS. Minh cho biết thêm, có hai loại mỹ phẩm để lại hậu quả cho người dùng rõ nét. Đối với mỹ phẩm “nhái”, dù có ghi rõ tác dụng, thành phần song cũng “vô ích” bởi không ai biết có gì bên trong. Thứ hai là “kem trộn” không rõ thành phần được pha chế thủ công, rao bán trên mạng và sử dụng nhiều ở các spa chăm sóc da và phòng khám tư.

“Đáng nói, các bệnh nhân tìm đến bệnh viện khi các tổn thương đã khá nặng, việc điều trị khó khăn và mất nhiều thời gian. Hầu hết bệnh nhân đến viện với khuôn mặt bị kích ứng, sưng, tấy đỏ, ngứa ngáy khó chịu sau khi dùng sản phẩm từ 4-6 tháng. Đặc biệt là với các bệnh nhân sử dụng sản phẩm làm trắng da nhanh, làm đẹp thần tốc thì hệ hụy khá nặng bởi trong thành phần thường có chứa corticoid hoặc kim loại nặng như: Thủy ngân làm trắng, chì chống viêm… Nhiều bệnh nhân mang khuôn mặt đen sạm, ngứa ngáy đến thăm khá sau thời gian dài bôi kem trắng da”, BS. Minh thông tin.

Qua đây, nữ bác sỹ khuyến cáo, để phòng tránh những hệ lụy không đáng có, chị em cần ghi nhớ mỹ phẩm không phải là thuốc trị liệu, kể cả với các sản phẩm được quảng cáo là “lành” với tên gọi dược mỹ phẩm.

“Nên chọn sản phẩm có uy tín, nguồn gốc, thành phần được công bố rõ ràng. Trong trường hợp sau sử dụng có phản ứng khó chịu, đỏ ngứa nên dừng ngay và thăm khám tại cơ sở chuyên khoa da liễu. Để tình trạng càng muộn, xuất hiện tác dụng phụ càng khó điều trị…, thậm chí có thể gây biến chứng nặng hơn như giãn mạch, trứng cá, teo da, rậm lông…”, BS. Minh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.