Mỹ yêu cầu người sử dụng máy bay không người lái phải đăng ký sử dụng. |
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Giáng sinh vừa qua, máy bay không người lái là một trong những món quà “hot”, được ưa thích tại Mỹ. Khi loại phương tiện này ngày càng trở nên phổ biến, nó cũng trở thành vấn đề khiến chính phủ đau đầu, như sử dụng để theo dõi người nổi tiếng, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, gây mất an toàn, thậm chí có thể liên quan tới mục đích khủng bố… Năm 2014, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) nhận được 238 báo cáo mất an toàn liên quan đến máy bay không người lái; đến năm 2015, lên tới 1.133 vụ việc.
Điển hình năm nay, Mỹ chứng kiến không ít vụ máy bay không người lái xâm nhập Nhà Trắng. Nổi bật là vụ máy bay không người lái bị rơi tại công viên Ellipse nằm trong khuôn viên Nhà Trắng. Người điều khiển máy bay bị bắt để điều tra. Người này cho biết: “Tôi chỉ sử dụng máy bay để chụp ảnh Đài tưởng niệm Washington” và không có ý định gây mất an toàn. Tuy nhiên, người này vẫn bị phạt 85 USD trong khi chi phí mua máy bay chỉ 65 USD.
Một ví dụ khác, cuối tháng 10 vừa qua, chuyến bay American Airlines số hiệu 4125 đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay LaGuardia thì phát hiện một máy bay không người lái bay gần. Rất may, phi công đã được cảnh báo kịp thời và hạ cánh an toàn.
Dù vậy, ông Michael Sievers - luật sư về các vấn đề liên quan tới máy bay không người lái tại công ty luật Hunton & Williams nhận định, rất khó để phán xét nguy cơ gây mất an toàn thực sự của máy bay không người lái. “Những vụ tai nạn nghiêm trọng chỉ là một phần nhỏ trong số chuyến bay của máy bay không người lái”, ông Sievers cho biết.
Không đăng ký, phạt 27.500 USD
Chưa thể xác định chính xác nguy cơ máy bay không người lái cao đến đâu, FAA vẫn siết chặt khung pháp lý để đảm bảo an toàn bầu trời.
Theo quy định mới nhất về máy bay không người lái mà FAA vừa đưa ra, người dân Mỹ sở hữu vật thể không người lái phải đăng ký với cơ quan quản lý. Phí đăng ký được miễn phí đến hết ngày 20/1. Sau đó, người sở hữu phải trả phí 5 USD (112.000 VND). Chỉ trong hai ngày sau khi quy định bắt buộc đăng ký đưa ra, đã có 45.000 người đăng ký. Hạn cuối cùng để máy bay không người lái đã hoạt động trước ngày 21/12 phải đăng ký là ngày 19/2/2016.
FAA quy định rõ ràng đặc điểm máy bay không người lái phải đăng ký: vật thể bay nặng từ 0,55 pound (khoảng 250 gram) đến 55 pound (khoảng 25kg). Quy định đăng ký này chỉ áp dụng đối với các vật thể bay không người lái cá nhân. Những vật thể bay không người lái được sử dụng với mục đích thương mại bị cấm hoạt động cho đến khi FAA ra quy định riêng, trừ một vài ngoại lệ FAA đưa ra. FAA dự kiến hợp pháp hóa việc sử dụng phương tiện bay không người lái thương mại vào khoảng giữa năm 2016.
Khi đăng ký, người chủ phải cung cấp tên, địa chỉ nhà và địa chỉ email. Sau đó, chủ sở hữu phải đánh dấu số thứ tự họ đăng ký lên máy bay không người lái hoặc đăng ký số seri với FAA. Ngoài ra, “theo quy định liên bang, những người không đăng ký máy bay có thể bị phạt hành chính lên tới 27.500 USD; Với những vi phạm hình sự khác, người phạm tội có thể bị phạt tù lên tới 3 năm và phạt tiền 250.000 USD”.
Cơ quan thực thi pháp luật địa phương sẽ chịu trách nhiệm việc phát hiện, xử phạt. FAA cho biết, chính phủ sẽ tiêu tốn khoảng 56 triệu USD để điều hành hệ thống đăng ký máy bay không người lái cho tới năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Anthony Foxx khẳng định, những quy định này nhằm mục đích nâng cao an toàn cho máy bay không người lái. “Những người yêu thích máy bay không người lái phải gánh trên vai trách nhiệm lớn lao đảm bảo an ninh bầu trời. Khi đăng ký, chính phủ có thể làm việc với người sử dụng để điều hành máy bay không người lái một cách an toàn hơn”.
Ngoài quy định về đăng ký, chính phủ Mỹ đã đưa ra một số quy định đảm bảo an toàn khác như máy bay không bay quá 400 feet (tương đương 120m, chiều cao ngang toà nhà 30-40 tầng), không bao giờ được để máy bay vượt tầm mắt, không cho phép máy bay bay gần sân bay hoặc các khu vực đông đúc như sân vận động, các toà nhà chính phủ như Nhà Trắng, toà nhà Quốc hội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận