Thời sự Quốc tế

Mỹ-Philippines sắp có hợp tác quân sự quan trọng, liên quan tới Biển Đông

02/02/2023, 10:46

Hôm nay (2/2), dự kiến Mỹ và Philippines sẽ thông báo một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 4 căn cứ quân sự khác tại nước này.

Theo hãng tin AFP, thỏa thuận dự kiến được công bố trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Philippines trong bối cảnh Mỹ và Philippines - 2 đồng minh lâu năm đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ khi căng thẳng Mỹ-Trung cùng nhiều vấn đề trong khu vực leo thang.

Theo một quan chức cấp cao của Philippines, thỏa thuận mở rộng quan hệ này sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines, nâng tổng số căn cứ quân sự nằm trong hợp tác giữa Mỹ - Philippines lên con số 9.

Vì đất nước này có vị trí địa lý gần với Đài Loan và nằm trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp nên sự hợp tác của Philippines sẽ rất quan trọng trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột với Trung Quốc, theo nhận định từ một vị Tướng Không quân 4 sao của Mỹ là có thể xảy ra vào đầu năm 2025.

Bên cạnh đó, một quan chức Philippines giấu tên cho biết, hai bên đang tiếp tục các cuộc đàm phán để hợp tác thêm 1 căn cứ nữa.

img

Binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận chung tại Vịnh Ulugan, tỉnh Palawan. Ảnh - EPA

Trước đây, từng có nhiều bài báo có thông tin, hầu hết các căn cứ nằm trong thỏa thuận hợp tác mới giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ ở đảo chính Luzon – khu vực gần Đài Loan nhất của Philippines và Mỹ đã có quyền tiếp cận với 2 căn cứ ở đây.

Mỹ và Philippines có quan hệ đồng minh kéo dài hàng thập kỷ, từng ký thỏa thuận quốc phòng chung và một thỏa thuận năm 2014 được viết tắt là EDCA cho phép quân đội Mỹ di chuyển luân phiên trong 5 căn cứ của Philippines, bao gồm các căn cứ gần những vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Với thỏa thuận EDCA, quân đội Mỹ cũng được phép đặt trang thiết bị, cung ứng quốc phòng tại các căn cứ đó.

Dưới thời cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – một người có quan điểm chuộng hợp với tác Trung Quốc, EDCA đã bị đình trệ nhưng dưới thời lãnh đạo mới Ferdinand Marcos Jnr, thỏa thuận này dự kiến sẽ được đẩy mạnh.

Một căn cứ khác đang được nhắc đến nhiều là ở đảo Palawan đối diện với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV), nâng số căn cứ tại đảo này mà Mỹ có thể tiếp cận lên con số 2.

Dự kiến, trước khi thông báo thỏa thuận trên, ông Austin sẽ có cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines tại Văn phòng Tổng thống.

Một ngày trước, chia sẻ với báo giới, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ từng cho rằng, Philippines đang gặp áp lực hằng ngày từ phía Trung Quốc theo những cách thức trái với luật pháp quốc tế và Mỹ mong muốn đảm bảo Philippines có khả năng tự bảo vệ chủ quyền của mình.

Trung Quốc chưa có phản ứng về thỏa thuận sắp được công bố giữa Philippines – Mỹ cũng như bình luận của giới chức Washington.

Bắc Kinh hiện đang tuyên bố chủ quyền gần như bao trùm toàn bộ Biển Đông và không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông.

Với Đài Loan, Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh chờ thống nhất, yêu cầu các nước có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh phải tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc. Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc này, nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại.

Về quan điểm của Việt Nam đối với hoạt động của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng cho biết: "Hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và những quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.