Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 10/2015. (Ảnh: Reuters) |
Đây được xem là động thái thách thức lần thứ ba của Washington trước những phản đối gay gắt từ chính quyền Bắc Kinh.
Thời điểm chính xác Hải quân Mỹ dự định đưa tàu tuần tra vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông vẫn chưa được công bố cụ thể, song Mỹ kiên định rằng họ được phép thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải” theo luật pháp quốc tế, và nhóm tàu đến Biển Đông đầu tháng 4 tới có thể là những tàu nhỏ.
Theo Washington Times, Hải quân Mỹ đã điều tàu sân bay USS John C.Stennis và một số tàu chiến đến Biển Đông hồi đầu tháng 3 vừa qua. Các chuyên gia dự kiến, đợt tuần tra mới của Hải quân Mỹ sẽ được tiến hành ở gần khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các tàu Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành tuần tra Biển Đông, nơi có giá trị thương mại lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines đều tuyên bố chủ quyền chồng lấn với vùng biển này. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố hầu hết chủ quyền Biển Đông.
Những tháng gần đây, căng thẳng liên tiếp gia tăng ở Biển Đông, quanh khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Tháng 10/2015, tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam từng khiến Bắc Kinh nổi giận.
Mới đây nhất, hôm 31/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lớn tiếng tuyên bố, việc các tàu Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông là hành động “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”. Phát biểu được ông Tập đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân toàn cầu được tổ chức ở Washington.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận