Ngày 10/1, trao đổi với hãng tin Reuters, 3 quan chức Mỹ cho hay Mỹ và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận về tăng cường năng lực tên lửa chống hạm của Washington tại Nhật Bản sau gần một năm đối thoại. Thỏa thuận sẽ được thông báo ngày 11/1, tại Washington sau cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp Nhật Bản.
Vào ngày tiếp theo, ông Austin sẽ có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada tại Lầu Năm Góc, sau đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 13/1.
Theo các quan chức Mỹ, Washington sẽ chuyển thêm tên lửa chống hạm tới Nhật Bản cùng với quá trình thành lập trung đoàn phản ứng nhanh thuộc Thủy quân Lục chiến gồm khoảng 2.000 quân nhân tập trung vào hoạt động vận tải, giám sát, thu thập thông tin tình báo trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Quá trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cho biết khoảng 300 binh sĩ, 13 tàu chiến Mỹ sẽ được triển khai trong mùa xuân này để hỗ trợ vận chuyển binh sĩ, thiết bị của Mỹ và Nhật Bản.
Dù tổng số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản không thay đổi, thỏa thuận mới có thể là thông báo đầu tiên trong một loạt hoạt động triển khai của quân đội Mỹ tại châu Á nhằm đối phó với Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân có bình luận cho biết, liên minh Nhật Bản - Mỹ cần đảm bảo không gây ảnh hưởng tới lợi ích của bên thứ ba và ổn định, hòa bình trong khu vực.
Thời gian gần đây, Nhật Bản nhiều lần bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Vào tháng 8, khi quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận với quy mô chưa từng có xung quanh đảo Đài Loan sau chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi, 5 tên lửa do Trung Quốc phóng ra đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Tổng cộng, hiện có khoảng 54.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản trong đó, có 1.800 lính thủy đánh bộ Mỹ - số lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú ở nước ngoài lớn nhất. Hầu hết lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại các căn cứ trên đảo Okinawa, làm dấy lên phản đối từ chính quyền địa phương. Giới chức Okinawa đã đề nghị các vùng khác của Nhật Bản tiếp nhận một phần lực lượng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận