Các nhà thám hiểm Trung Quốc đặt thiết bị liên lạc ở Bắc Cực. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Mỹ đang lên kế hoạch cho các cuộc tập trận sẽ diễn ra ở Alaska với sự tham gia của khoảng 15 nghìn binh lính và sĩ quan, bao gồm các lực lượng như thủy quân lục chiến, lục quân, không quân, hải quân và có cả tàu sân bay Theodore Roosevelt.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nhiệm vụ của cuộc tập trận là nhằm cải thiện năng lực tác chiến và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền Washington muốn mở rộng khả năng của mình để đối đầu với Nga và Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực.
Người đứng đầu bộ chỉ huy ở Alaska và đơn vị Không quân số 11, Trung tướng David Crum cho rằng mối nguy hiểm chính đối với lợi ích của Mỹ là các hành động của Trung Quốc, quốc gia vốn sử dụng đòn bẩy kinh tế để có được chỗ đứng ở Bắc Cực, khu vực cách biên giới Trung Quốc đến hàng nghìn km.
Cũng theo ông David Crum, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật đe dọa để thực hiện các yêu sách lãnh thổ phi pháp của họ ở Biển Đông và Mỹ sẽ phải ngăn chặn Trung Quốc thực hiện chiến thuật này tái diễn ở Bắc Cực.
Cựu Thống đốc Alaska Fran Almer cũng đã đưa ra cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc đối với các quốc gia Bắc Cực như Canada, Na Uy, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ và Nga, khi Trung Quốc đã tự gọi mình là “gần Bắc Cực”.
Với nguồn tài chính khổng lồ, Trung Quốc đã thành lập 6 trạm nghiên cứu, các cơ sở hậu cần, đóng tàu phá băng, tiến hành khảo sát và thông qua bản đồ đường đi ở khu vực Bắc Cực, tất cả những điều này càng chứng minh rõ tham vọng của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Tuy rằng Trung Quốc tích cực tuyên truyền Bắc Cực là điểm chung của toàn cầu, nhưng các tài liệu gần đây đã tiết lộ chiến lược tham vọng của Trung Quốc. Các tài liệu này nêu rõ rằng việc thiết lập quyền kiểm soát đối với khu vực này sẽ cho phép Trung Quốc đạt được lợi thế địa lý ở Bắc bán cầu.
Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ tuyên bố trong báo cáo của mình rằng, Trung Quốc khao khát trở thành một cường quốc ở hai cực của Trái đất nhưng không công khai về mục tiêu này.
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc thám hiểm Bắc Cực
Năm 2018, Sách trắng của Trung Quốc đã chỉ ra 3 yếu tố thúc đẩy Trung Quốc phát triển khu vực vùng cực. Thứ nhất, nó mở ra khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản; thứ hai, sự tan chảy của băng làm giảm một nửa thời gian vận chuyển hàng hóa đến châu Âu bằng tàu và thứ ba, điều này sẽ giảm sự phụ thuộc vào kênh đào Suez.
Tuy nhiên, các nhà bình luận Mỹ cũng thừa nhận rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất công khai tìm cách chiếm đoạt các phần lãnh thổ nước ngoài.
Vào năm 2019, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump cũng đã đề xuất mua đảo Greenland nơi có những mỏ kim loại đất hiếm, loại khoáng sản giá trị này được sử dụng để sản xuất một số lượng lớn các thiết bị, từ máy bay chiến đấu phản lực đến pin cho điện thoại di động.
Ông Fran Almer, cựu Thống đốc bang Alaska cho rằng việc Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc đang làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Trung Quốc có nền kinh tế lớn và giàu có nhưng họ có ít tài nguyên thiên nhiên, Mỹ càng tạo khoảng cách với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ ngày càng hợp tác chặt chẽ với Nga.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov trả lời tại một cuộc họp báo rằng, Nga và Trung Quốc trong tương lai có thể bắt đầu cùng nhau khám phá tuyến đường biển phía Bắc.
Theo báo cáo của hãng tin TASS, ông Denisov lưu ý rằng giao thông hàng hải quy mô lớn đòi hỏi đầu tư rất lớn, tuy nhiên các đối tác Trung Quốc với nguồn tài chính dồi dào sẽ giải quyết vấn đề này.
Ông Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow và là thành viên của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga đã lưu ý trong tài liệu phân tích của mình như sau:
“Một số điều khoản quan trọng nhất trong chiến lược của Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực mâu thuẫn trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh không nhấn mạnh những khác biệt này và tránh đụng độ trong vấn đề chính trị. Hơn nữa, Trung Quốc và Nga đang ngày càng tương tác với nhau ở Bắc Cực trên cơ sở đạt được sự thống nhất từ những lợi ích chung”.
Động lực quan trọng nhất đối với Trung Quốc ở Bắc Cực là mong muốn có mặt ở tất cả các ngóc ngách của các đại dương trên thế giới. Trung Quốc có kế hoạch hình thành một trật tự thế giới mới, nơi Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất và sẽ điều hành mọi hoạt động của toàn cầu.
Theo chuyên gia Dmitry Trenin, Nga đang rất thận trọng trước triển vọng phát triển ở khu vực này. Theo quan điểm của Moscow, lợi ích cơ bản của Nga ở Bắc Cực hầu hết trùng khớp với lợi ích của các nước giáp Bắc Cực khác như Đan Mạch, Canada, Na Uy và Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận