Nạn tấn công mạng đã len lỏi tới mọi lĩnh vực đời sốngtrên quy mô toàn cầu |
Tấn công mạng đã trở thành vấn đề đáng báo động trên quy mô toàn thế giới, dự kiến sẽ trở thành đề tài nóng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức đầu tháng 9 tại Trung Quốc.
Xâm nhập từ kinh tế tới chính trị
Ngày 30/8, chia sẻ với NBC News, giới chức tình báo Mỹ tố cáo tin tặc tại Nga tấn công hai cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri của Mỹ tại bang Illinois. Theo đó, hồi tháng 7 vừa qua, dữ liệu của khoảng 200.000 người đăng ký cử tri của bang Illinois để bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 bị xâm nhập; Hệ thống đăng ký bầu cử bị sập trong 10 ngày. Ngoài ra, bang Arizona cũng bị tấn công, nhiễm phần mềm độc hại nhưng ở quy mô hạn chế hơn Illinois. Giới chức tình báo Mỹ cho biết, sự việc khiến Mỹ lo ngại Chính phủ Nga đứng sau tài trợ hoặc đích thân thực hiện nhằm can thiệp, gây bất ổn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, theo Press TV.
Vụ việc buộc Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ra cảnh báo khẩn cấp tới cơ quan tổ chức bầu cử toàn quốc, kêu gọi cảnh giác trước các tấn công mạng. Kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đó là các tin tặc tinh vi của Nga có thể tấn công hệ thống tài chính, mạng lưới điện cùng hạ tầng quan trọng khác của Mỹ.
Trong khi đó, hai quan chức khác giấu tên cho biết, dù các cơ quan tình báo của Mỹ chưa chắc chắn Chính phủ Nga muốn tấn công dữ liệu cử tri Mỹ; Nhưng họ nghi ngờ các tin tặc Nga đang âm thầm chuyển mục tiêu tấn công mạng nhằm vào chính trị Mỹ. Bởi, cách đây không lâu, giới chức Mỹ từng nghi ngờ Nga có dính líu tới vụ tấn công hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ.
Về phía mình, Nga bác bỏ cáo buộc liên quan tới các vụ tấn công email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) và hệ thống máy tính của ứng viên đại diện Đảng Dân chủ Hillary Clinton trước cuộc bầu cử tháng 11.
Trước đó, một số tin tặc tấn công hệ thống của Ngân hàng Bangladesh và sử dụng mạng lưới Ngân hàng SWIFT (Dịch vụ thanh toán toàn cầu qua tin nhắn được 3.000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng) đưa ra nhiều đề nghị rút tiền với tổng trị giá gần 1 tỷ USD từ một tài khoản tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Mỹ). Trong hàng chục yêu cầu giả mạo, có một vài đề nghị được thực hiện và khoảng 81 triệu USD từ Ngân hàng Bangladesh bị đánh cắp, được chuyển vào các sòng bạc tại Philippines. Sự việc đang được điều tra với sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng quốc tế.
Khó kỳ vọng
An ninh mạng trở thành vấn đề đáng lo ngại đến mức dự kiến được đưa vào chương trình nghị sự hàng đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc từ 4-5/9 tới.
Cùng ngày 30/8, Reuters đưa tin, 6 nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama ưu tiên đưa vấn đề tội phạm mạng ra Hội nghị Thượng đỉnh G20. Trong thư gửi tới Nhà Trắng, nghị sĩ Sherrod Brown, quan chức cấp cao Ủy ban Ngân hàng Thượng viện cùng 5 nghị sĩ khác bày tỏ mong muốn Tổng thống Obama hối thúc các lãnh đạo đến từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ký vào cam kết chung để “phối hợp, vạch ra chiến lược chống tội phạm mạng tại các thể chế tài chính quan trọng”.
Bức thư tỏ rõ lo ngại về tấn công mạng liên quan tới vụ xâm nhập mạng Ngân hàng Banglesh. “Hiện nay, nhiều thể chế tài chính được kết nối để thực hiện hoạt động thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, tội phạm mạng (ở quy mô cả độc lập và được Nhà nước tài trợ) đã gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính quốc tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Chúng tôi cực lực kêu gọi Tổng thống làm việc cùng các lãnh đạo đồng cấp, ưu tiên bàn luận vấn đề này ở cấp lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức trong tháng 9 tới”, 6 nghị sĩ kêu gọi, đồng thời nhấn mạnh “các lãnh đạo thế giới cần phải quan tâm, chú ý hơn tới hiểm họa này”.
Nhà Trắng dự kiến tại Hội nghị lần này, các lãnh đạo G20 sẽ “tái khẳng định cam kết hợp tác chống tội phạm mạng và tăng cường niềm tin trong nền kinh tế số”. Ông Josh Earnest, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: “Theo tôi biết, vấn đề an ninh mạng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự khi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ G20”.
Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng gì nhiều vào các cam kết lần này; Bởi tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tháng 11 năm ngoái, các lãnh đạo cũng cam kết không thực hiện các hành động tấn công mạng trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, cũng đạt được thỏa thuận giảm thiểu các vụ gián điệp do Chính phủ đứng sau tấn công mạng, ăn cắp bí mật thương mại trị giá hàng trăm tỷ USD. Nhưng thực tế, các vụ tấn công, đánh cắp bí mật thương mại, tấn công hệ thống tài chính thế giới vẫn tràn lan, điển hình vụ tin tặc ăn trộm 81 triệu USD từ Ngân hàng Bangladesh như đã nói ở trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận