Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm dây chuyền lắp ráp máy bay Boeing tại Everett, Washington trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2015. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc đồng ý mua 300 máy bay của Boeing trị giá 38 tỉ USD. |
Kể từ khi vận động tranh cử tới nay, Tổng thống đắc cử Donald Trump luôn “chĩa mũi dùi” với hàng loạt phát ngôn chỉ trích nhằm vào Trung Quốc.
Tỷ phú Trung Quốc dọa trả đũa
Từ khi vận động tranh cử tới khi đắc cử, tỷ phú bất động sản Donald Trump úp mở quan điểm về đầu tư tại Trung Quốc. Ông Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc “cướp việc làm” của Mỹ và chỉ trích Bắc Kinh thao túng thị trường tiền tệ và đe dọa áp thuế quan lên tới 45% đối với các sản phẩm Trung Quốc vào Mỹ, gây lo ngại sẽ nổ ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để thực hiện các chính sách “chĩa mũi nhọn” vào Trung Quốc không phải dễ dàng, bởi đây vốn là thị trường béo bở mà các công ty Mỹ đang tìm mọi cách xâm nhập. Đồng thời, rất nhiều đại gia Trung Quốc đã vung tiền tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người tại Mỹ.
Điển hình, mới đây, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc trong ngành bất động sản và giải trí Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) cảnh báo nước Mỹ sẽ mất hàng chục nghìn việc làm nếu ông Trump gây khó dễ cho các công ty của Trung Quốc muốn làm ăn với Mỹ. Nhiều năm trở lại đây, tỷ phú Vương thực hiện rất nhiều thương vụ thâu tóm các công ty lớn tại Hollywood và không ít lần bày tỏ ý định đầu tư hơn nữa vào Mỹ. “Bộ sưu tập các doanh nghiệp giải trí Mỹ” của ông Vương hiện nay gồm: AMC - Tập đoàn lớn thứ hai kinh doanh chuỗi rạp chiếu phim tại Mỹ, hãng phim Legendary Entertainment và Tập đoàn giải trí Dick Clark Productions (nơi tổ chức các giải thưởng danh giá như Quả cầu vàng). Tháng 9 vừa rồi, trao đổi với CNN, ông Vương tiết lộ ý định muốn mua thêm 1 trong 6 “ông lớn” trong ngành điện ảnh Mỹ (Paramount Pictures, Twentieth Century Fox, Warner Brothers, Walt Disney, Universal Pictures và Columbia).
Tại một sự kiện vào cuối tuần qua, ông Vương tuyên bố: “Tôi đã gặp Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ. Ông này sẽ sớm gặp Tổng thống Donald Trump nên hỏi tôi có thông điệp nào muốn gửi tới Tổng thống đắc cử hay không? Tôi nói rằng, tôi đã đầu tư khoảng 10 tỉ USD và tạo 20.000 việc làm cho nước Mỹ. 20.000 người sẽ mất việc nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra”.
Boeing “toát mồ hôi hột”
Không riêng điện ảnh, nhà sản xuất máy bay Boeing cũng đang trông đợi rất nhiều vào thị trường đông dân nhất thế giới này. Boeing “toát mồ hôi hột” khi chứng kiến sóng gió trong quan hệ Trung - Mỹ sau khi Donald Trump bất ngờ gọi điện cho người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn. Hơn nữa, ông Trump không tiếc lời chỉ trích và đe doạ sẽ chấm dứt chính sách “Một Trung Quốc” khiến giới chức đất nước đông dân nhất thế giới tức giận.
Trao đổi với CNN, một cựu Giám đốc điều hành cấp cao của Boeing cho biết: Rõ ràng những chỉ trích đó sẽ gây bức xúc cho Trung Quốc. Vị cựu CEO chia sẻ: “Trung Quốc là một thị trường rất khác nên rất cần sự nhạy cảm địa chính trị để không cản trở hoạt động thương mại của Boeing.
Sở dĩ Boeing lo lắng bởi trong bối cảnh nhu cầu mua máy bay trên thế giới suy giảm, Trung Quốc đang vươn lên thành “thị trường hàng không trị giá hàng nghìn tỉ USD”. Ông Randy Tinseth, Giám đốc makerting của Boeing cho biết: Lưu lượng khách bay tại Trung Quốc sẽ tăng 6,4%/năm trong vòng 20 năm tới và cần tới 6.810 máy bay để đáp ứng nhu cầu. Mỗi ngày, tại các xưởng sản xuất máy bay của Boeing ngập tràn màu sắc máy bay của các hãng hàng không Trung Quốc như: Thiên Tân, 9 air, Đông Hải, Sơn Đông, Thâm Quyến, Hải Nam…
Theo truyền thống, Tổng thống Mỹ thường là người thúc đẩy các thỏa thuận có lợi cho Boeing cả trong nước và nước ngoài. Như Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama từng nói: “Tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu trên thế giới để mở thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ”. Thực tế, những đơn hàng lớn của Boeing đều được ký kết trong khuôn khổ các chuyến thăm Nhà nước giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong vài năm tới, Boeing có kế hoạch mở nhà máy gần Thượng Hải để lắp ráp cabin bên trong máy bay 737 phục vụ các khách hàng Trung Quốc. Thị trường này càng trở nên cạnh tranh gay gắt hơn khi Airbus vốn đã có nhà máy lắp ráp máy bay A320 tại Trung Quốc và gần đây mở thêm một nhà máy tương tự tại Mỹ.
Do vậy, việc ông Trump “chọc tức” Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của Boeing bởi hãng này từng có tiền lệ mất đơn đặt hàng máy bay chiến đấu cho Brazil vì khúc mắc ngoại giao hồi 2013, khi nổ ra bê bối tình báo Mỹ nghe lén Tổng thống Brazil.
Lời cảnh báo sắc bén từ chính phủ Trung Quốc Trong một động thái được cho là nhằm trả đũa Trung Quốc, ngày 14/12, tờ China Daily dẫn lời quan chức Trung Quốc cho biết, nước này sẽ trừng phạt một nhà sản xuất ô tô của Mỹ vì hành vi độc quyền. Ngay sau thông báo, cổ phiếu của General Motors và Ford Motor lập tức trượt giá. Nhiều nguồn tin trong ngành chia sẻ với Reuters cho biết, Trung Quốc đã thực hiện cuộc điều tra đặc biệt về hành vi độc quyền của các công ty ô tô Mỹ vì các bình luận gần đây của ông Trump. Jason Miller, người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết, đội chuyển tiếp chính trị đã biết về thông tin trên nhưng chưa có bình luận. B.T |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận