Mỹ siết chặt an ninh chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden
Hơn 1 tuần nữa, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức tại sảnh phía Tây của Tòa nhà Quốc hội Mỹ - một trong những nơi chứng kiến bạo loạn hôm 6/1.
Công tác tổ chức cho lễ nhậm chức năm nay sẽ khó khăn hơn mọi năm vì không chỉ phải thu hẹp quy mô do đại dịch mà còn phải tăng cường an ninh chặt chẽ hơn sau bạo động.
Lo ngại nguy cơ biểu tình bùng phát
Dù khu vực Tòa nhà Quốc hội Mỹ được siết lại an ninh, người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump rút về và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã rõ nhưng nhiều chuyên gia an ninh vẫn lo ngại ngọn lửa biểu tình, bạo động vẫn âm ỉ trong những nhóm cực đoan, có thể bùng nổ trong ngày ông Joe Biden nhậm chức.
Ngày 9/1, CNN dẫn lời nhiều chuyên gia trong đó có ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Chống phỉ báng, chuyên quan sát và phản đối những nhóm thù ghét tại Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi những câu chuyện, bàn tán từ các nhóm người da trắng thượng đẳng, cực đoan chính trị cực hữu. Họ có vẻ ngày càng bị kích động... Chúng tôi e ngại, bạo lực sẽ còn tồi tệ hơn nữa”.
Một chuyên gia khác là John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cấp cao của nhóm giám sát an ninh mạng Citizen Lab thuộc Đại học Toronto vô cùng quan ngại về tình hình an ninh trong ngày nhậm chức của ông Joe Biden.
Theo nhà nghiên cứu Scott-Railton: “những gì xảy ra tại điện Capitol hôm thứ 4 đã khiến dư luận kinh hãi nhưng ở một góc nào đó, trong những cuộc trò chuyện của phe cánh hữu, họ lại coi đây là thành công”.
An ninh được đảm bảo như thế nào?
Tuy vậy, các lãnh đạo Quốc hội chịu trách nhiệm điều phối lễ nhậm chức khẳng định, sự kiện quan trọng này vẫn diễn ra bất kể hoàn cảnh nào.
“Truyền thống tổ chức lễ nhậm chức tuyệt vời của Mỹ đã diễn ra cả trong thời bình, giai đoạn hỗn loạn, trong thời gian thịnh vượng và cả khi tai ương”, các Thượng Nghị sỹ Roy Blunt và Amy Klobuchar khẳng định.
Các lực lượng an ninh đã và đang siết chặt công tác phòng vệ sau vụ bạo động. Khoảng 6.200 thành viên thuộc Vệ binh Quốc gia đến từ 6 bang: Virginia, Pennsylvania, New York, New Jersey, Delaware và Maryland đã được điều động làm nhiệm vụ hỗ trợ Cảnh sát Quốc hội cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác tại Washington trong 30 ngày tới.
Ngoài ra, vì lễ nhậm chức được coi là sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt, nên sẽ có sự tham gia từ Cơ quan Mật vụ và một số cơ quan liên bang khác như Bộ Quốc phòng, để đề phòng nguy cơ khủng bố.
“An toàn và an ninh của tất cả những người tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 59 là quan trọng hơn cả”, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết trong thông báo. “Suốt hơn một năm qua, Cơ quan Mật vụ cùng các đối tác đã làm việc không biết mệt mỏi để dự đoán và chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra trong sự kiện, ở tất cả các mức độ”, thông báo cho biết thêm.
Hiện tại, xung quanh Tòa nhà Quốc hội Mỹ, hàng loạt hàng rào sắt kiên cố, được thiết kế để ngăn chặn mọi hành vi vượt rào đã được dựng lên. Do đó, giới an ninh khẳng định chắc chắn không có chuyện người biểu tình trèo qua rào, giằng co với cảnh sát như trong vụ việc ngày 6/1.
Vị Tổng thống thứ 59 của nước Mỹ sẽ không được chứng kiến hình ảnh hàng triệu người ủng hộ tới tham dự và chúc mừng vì ban tổ chức kêu gọi người dân hạn chế đến Washington vì nỗi lo đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết, ông vô cùng tin tưởng lực lượng mật vụ và khả năng đảm bảo lễ nhậm chức diễn ra suôn sẻ.
Trong sự kiện chính trị đặc biệt của cuộc đời mình, ông Joe Biden sẽ phải chấp nhận một số điểm không như ý, đó là thiếu vắng sự hiện diện của nhân vật quan trọng (Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump), không diễu hành hoành tráng như mọi năm mà sẽ diễn ra trực tuyến và được truyền hình trực tiếp, tương tự như sự kiện Đại hội Đảng Dân chủ trước đó. Song, buổi lễ sẽ có nghi thức hộ tống chính thức ông Biden với sự tham gia của đại diện tất cả các lực lượng quân đội, trong một đoạn từ Tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận