30 tấn hóa chất amoni nitrat dễ nổ "không cánh mà bay"
Mới đây, hãng New York Times và NBC News dẫn báo cáo của các cơ quan liên bang tại Mỹ cho biết, 30 tấn amoni nitrat - hóa chất được dùng trong sản xuất phân bón, thuốc nổ, bị thất lạc trong quá trình vận chuyển bằng đường sắt từ bang Wyoming tới bang California vào tháng 4 và hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Trong báo cáo sự việc đề ngày 10/5 trình lên chính quyền liên bang, công ty sản xuất thuốc nổ Dyno Nobel cho biết, đoàn tàu chở hóa chất amoni nitrat rời nhà máy tại TP Cheyenne, bang Wyoming hôm 12/4. Khi đoàn tàu tới bang California gần 2 tuần sau đó, 30 tấn hóa chất trong toa tàu đã “không cánh mà bay”.
Theo công ty Dyno Nobel, toa tàu chở hóa chất đã được đóng kín trước khi rời cơ sở sản xuất tại bang Wyoming và các ổ khóa vẫn còn nguyên vẹn khi đoàn tàu tới Saltdale, California, cách điểm xuất phát khoảng 1.000 dặm.
Một đoàn tàu chở hàng của hãng Union Pacific. Ảnh: Bloomberg
Trong thông báo, công ty Dyno Nobel cho biết, kết quả điều tra ban đầu cho thấy có thể đã xảy ra tình trạng hóa chất rơi ra ngoài qua cửa đáy của toa tàu trong quá trình vận chuyển.
Công ty cũng thông tin thêm rằng, toa tàu đã điều quay lại bang Wyoming để phục vụ điều tra đồng thời khẳng định công ty chỉ có “quyền kiểm soát hạn chế” đối với hoạt động của đoàn tàu trong quá trình vận chuyển.
Đoàn tàu trên do công ty đường sắt Union Pacific vận hành. Bà Kristen South - phát ngôn viên của Union Pacific cho biết, công ty đã mở cuộc điều tra sự việc bí ẩn này.
Mức độ nguy hiểm của amoni nitrat
Amoni nitrat chủ yếu được sử dụng làm phân bón hoặc thuốc nổ phục vụ khai thác mỏ, xây dựng. Theo New York Times, hóa chất này rất dễ phát nổ khi được trộn với nhiên liệu hoặc đặt trong môi trường áp suất, nhiệt độ cao.
Thậm chí, theo NBC News, amoni nitrat từng được sử dụng trong một số vụ tấn công khủng bố hoặc là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn gây thương vong.
Điển hình, năm 1947 đã xảy ra một vụ nổ tàu chở hơn 2.000 tấn amoni nitrat khi tàu đang dừng tại cảng ở TP Texas City, bang Texas khiến ít nhất 581 người thiệt mạng. Vào cùng năm, vụ nổ xảy ra trên tàu chứa 3.000 tấn amoni nitrat ở TP Brest, Pháp, khiến 29 người thiệt mạng.
Hóa chất dễ cháy nổ cũng được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào một cơ sở của Đại học Wisconsin – Madison năm 1970, khiến 1 người thiệt mạng, một số người bị thương và vụ tấn công khủng bố tại TP Oklahoma năm 1955, khiến 168 người thiệt mạng.
Năm 2013, hóa chất này cũng là nguyên nhân gây ra vụ nổ tại nhà máy phân bón ở bang Texas, khiến 15 người thiệt mạng, 200 người bị thương, san bằng hàng trăm ngôi nhà. Qua quá trình điều tra, các quan chức liên bang tại Mỹ kết luận vụ nổ là kết quả của hành vi tội phạm.
Hay như mới đây vào năm 2020, hơn 2.700 tấn amoni nitrat phát nổ, khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương tại Beirut, Lebanon.
Tuy nhiên, phía công ty vận hành và cơ quan quản lý cho rằng sự việc lần này có thể không đe dọa tới an toàn cộng đồng.
“Phân bón được sản xuất để bón đất, có khả năng được hấp thụ nhanh xuống nền đất. Do đó, nếu nguyên nhân thất lạc hóa chất là do lọt khỏi toa tàu trong quá trình vận chuyển thì sự việc sẽ không gây rủi ro với sức khỏe cộng đồng và môi trường”, theo bà South.
Cơ quan Quản lý Đường sắt Liên bang Mỹ và Ủy ban Tiện ích Công cộng California đang điều tra vụ việc. Hai cơ quan này chưa phản hồi đề nghị đưa ra bình luận trước thông tin trên từ hãng New York Times.
Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chưa phản hồi trước thông tin trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận