Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu
Ngày 29/6, tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Madrid, Tây Ban Nha, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tăng số binh sĩ Mỹ, gửi thêm máy bay và tàu chiến tới châu Âu để tăng cường các biện pháp răn đe mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh trước tình hình Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Bên cạnh việc tăng cường lên tới 100.000 binh sĩ hiện đồn trú tại châu Âu, Mỹ sẽ điều thêm tàu chiến tới Tây Ban Nha, máy bay tới Anh, điều thêm binh sĩ tới Romania, triển khai vũ khí tới các nước Baltic và thiết lập sở chỉ huy quân sự mới ở Ba Lan.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã lập tức hoan nghênh động thái này vì Warsaw từ lâu đã mong muốn có sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ thường trực trên lãnh thổ, cho rằng động thái này sẽ giúp nâng cao an toàn của Ba Lan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - Reuters
Cũng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của liên minh tổ chức tại Tây Ban Nha, các lãnh đạo NATO đạt đồng thuận để đặt hơn 300.000 binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng phản ứng, tăng gần 8 lần so với con số trước kia là 40.000 người.
Theo đó, binh sĩ Anh, Đức và một số quốc gia NATO khác sẽ được đặt vào trạng thái báo động, sẵn sàng triển khai tới các nước ở khu vực phía Đông của khối.
NATO cũng đồng thuận quyết định triển khai thêm binh sĩ tới Estonia, Latvia và Lithuania, đưa thêm vũ khí, thiết bị, đạn dược tới các nước Baltic, đồng thời, thông qua các gói viện trợ tài chính và quân sự dài hạn cho Ukraine.
Tổng thống Putin: Nga sẽ phản ứng nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng tại Phần Lan, Thụy Điển
Cũng trong Hội nghị thượng đỉnh ngày 29/6, NATO chính thức mời Thụy Điển, Phần Lan gia nhập liên minh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận để hai quốc gia Bắc Âu tiến hành quy trình gia nhập.
Trước diễn biến trên, ngày 29/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ phản ứng nếu NATO triển khai binh sĩ và cơ sở hạ tầng quân sự tại Phần Lan, Thụy Điển sau khi 2 quốc gia này gia nhập liên minh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - Điện Kremlin
“Với Thụy Điển và Phần Lan, chúng tôi không gặp những vấn đề tương tự như trường hợp của Ukraine. Nếu họ muốn gia nhập NATO, cứ tiếp tục. Dẫu vậyhọ cần hiểu rằng - tuy trước đây hai bên không có mối đe dọa nhưng nếu bây giờ các lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng được triển khai tại đây, chúng tôi sẽ phải phản ứng và đặt ra những mối đe dọa với các lãnh thổ này tương ứng như những mối đe dọa họ tạo ra với chúng tôi”, ông Putin tuyên bố.
Tổng thống Nga cũng nhận định sẽ khó tránh khỏi khả năng quan hệ của Nga với Thụy Điển và Phần Lan sẽ bị ảnh hưởng nếu hai quốc gia này gia nhập NATO.
Trước đó, hồi tháng 5, Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc thời gian dài duy trì chính sách trung lập với lý do quan ngại an ninh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mãi đến gần đây, sau một thời gian dài đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ mới chính thức chấp nhận để Thụy Điển và Phần Lan thực hiện tiến trình gia nhập NATO.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận