Thế giới

Mỹ tăng cường triển khai tên lửa siêu thanh tới các đồng minh chiến lược

09/12/2024, 18:25

Mỹ đang tăng cường triển khai các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn bao gồm tên lửa siêu thanh tới các đồng minh châu Âu và châu Á.

Theo hãng tin RT, một trong những loại vũ khí chủ đạo mà Mỹ muốn triển khai là hệ thống phóng rocket đa nòng Dark Typhon có khả năng phóng tên lửa Standard-6, với tầm bắn 500km và tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn 2.400km.

Dự kiến, hệ thống này được đưa vào biên chế hoạt động vào năm 2025.

Mỹ tăng cường triển khai tên lửa siêu thanh tới các đồng minh chiến lược- Ảnh 1.

Một quả tên lửa siêu thanh được Mỹ phóng từ bãi thử ở Hawaii (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 7, Washington và Berlin thông báo Dark Typhoon sẽ được triển khai tại căn cứ của Mỹ ở Wiesbaden, Đức vào đầu năm 2026.

Nga đã lên tiếng chỉ trích động thái trên là làm theo thang căng thẳng bởi việc đặt Dark Typhoon tại Đức sẽ khiến các thành phố lớn của Nga như Moscow, St. Petersburg… bị đặt trong tầm ngắm.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc được cho là cũng đang lên kế hoạch triển khai hệ thống Dark Typhoon trên đảo Io của Nhật Bản vào tháng 10/2025. Như vậy, tên lửa của Mỹ sẽ chỉ mất chưa đầy 8-10 phút đã có thể tấn công mục tiêu của Nga ở vùng Viễn Đông Vladivostok.

Ngoài ra, một trong những dự án đầy tham vọng mà Washington đang thử nghiệm là tên lửa siêu thanh Dark Eagle có thể tiêu diệt những mục tiêu trên mặt đất trong phạm vi 5.500km với độ chính xác từ 3-10m.

Dù đang trong quá trình thử nghiệm, Dark Eagle đã vượt qua được ít nhất 6 bài kiểm tra, trong đó có 4 lần phóng thành công.

Từ lâu, Nga đã cảnh báo việc Mỹ tăng cường hoạt động quân sự và triển khai các loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân ở các quốc gia gần với Nga sẽ khiến Moscow buộc phải đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng.

Hồi đầu tuần này, Nga và Belarus đã ký hiệp ước an ninh mới, trong đó nêu rõ việc Nga sẽ triển khai tên lửa đạn đạo siêu thanh hoàn toàn mới Oreshnik sang Belarus vào năm tới.

Oreshnik từng được Nga thử nghiệm hồi tháng 11 khi đánh vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine ở Dnepropetrovsk với nhiều đầu đạn khác nhau.

Năm 2019, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) từng ký với Nga năm 1987 mà trong đó cả hai nước vốn nhất trí cấm triển khai tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình mới có tầm bắn từ 500-5.500km. Moscow sau đó cũng đình chỉ việc thực thi INF.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.