Thế giới

Mỹ thăm dò động cơ của Nga trước khi để Ukraine, châu Âu tham gia đàm phán hòa bình

17/02/2025, 13:05

Ngày 16/12, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố đối thoại giữa Mỹ và Nga trong tuần này là cơ hội để đánh giá mức độ nghiêm túc của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi để Ukraine và châu Âu tham gia đàm phán hòa bình.

Mỹ chờ đợi hành động thực sự từ phía Nga

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của ông Rubio đã giúp gạt bỏ lo ngại từ châu Âu và Ukraine về khả năng họ bị gạt ra ngoài trong các cuộc đàm phán ban đầu giữa Nga và Mỹ, dự kiến diễn ra tại Saudi Arabia trong những ngày tới.

Mỹ thăm dò động cơ của Nga trước khi để Ukraine, châu Âu tham gia đàm phán hòa bình- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cam kết sẽ để Ukraine, châu Âu tham gia các cuộc đàm phán thực sự với Nga (Ảnh: Reuters).

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS, ông Rubio cho biết quá trình đàm phán vẫn chưa thực sự bắt đầu. Nếu các cuộc đàm phán tiến triển tốt, Ukraine và các nước châu Âu khác sẽ mời tham dự.

"Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tuần trước. Trong cuộc điện đàm, ông Putin bày tỏ mong muốn sớm đạt được hòa bình. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh mong muốn kết thúc cuộc xung đột Nga – Ukraine theo cách bền vững và bảo vệ chủ quyền của Ukraine.

Tuy nhiên, mong muốn nói trên phải được hiện thực hóa bằng hành động. Chính vì thế những ngày và tuần tiếp theo sẽ cho thấy liệu ông Putin có thực sự nghiêm túc hay không. Chỉ một cuộc gọi điện đảm sẽ không thể làm nên hòa bình", ông Rubio nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Rubio đồng thời cho biết ông có kế hoạch đến Saudi Arabia do đã có lịch trình công tác từ trước. Trước đó, trong đêm 16/2, Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz đã lên đường tới Saudi Arabia.

Các cuộc đàm phán với Nga tại Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Kiev để được cùng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine để đổi lấy khoản viện trợ từ Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC được phát sóng ngày 16/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt câu hỏi liệu các nguồn tài nguyên tại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát có bị giao cho ông Putin hay không.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông Putin muốn hòa bình đồng thời bày tỏ tin tưởng nhà lãnh đạo Nga không có ý định kiểm soát toàn bộ Ukraine. Ông Trump cũng khẳng định Tổng thống Ukraine sẽ được mời tham gia vào các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột.

Ukraine, châu Âu sẽ không bị gạt ra rìa?

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Rubio khẳng định Ukraine và châu Âu sẽ phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán thực sự nào với Nga.

"Nếu đây là những cuộc đàm phán thực sự, điều mà chúng ta chưa đạt được thì Ukraine sẽ phải tham gia vì họ là bên chịu tác động. Châu Âu cũng tham gia vì họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào ông Putin và Nga", ông Rubio tuyên bố.

Mỹ thăm dò động cơ của Nga trước khi để Ukraine, châu Âu tham gia đàm phán hòa bình- Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) muốn Ukraine được mời tham dự các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine (Ảnh: Reuters).

Khi được hỏi liệu các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có được thảo luận trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga ông Sergei Lavrov ngày 15/2 hay không, ông Rubio từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Ngoài ra, ông Rubio cũng tiết lộ đã thảo luận với ông Lavrov về điều kiện hoạt động khó khăn của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Ông Rubio nhấn mạnh nếu muốn đạt tiến triển trong vấn đề hòa bình Ukraine, cả Nga và Mỹ đều cần có các đại sứ quán hoạt động ổn định tại mỗi nước.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc điện đàm, Moscow cho biết hai bên đã thảo luận về việc loại bỏ rào cản đơn phương mà chính quyền Mỹ trước đó đã áp đặt lên quan hệ với Nga.

Dự kiến trong ngày hôm nay (17/2), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp với các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về cuộc chiến tại Ukraine.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quan chức châu Âu bị bất ngờ trước những tuyên bố và động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Ukraine, Nga và chính sách quốc phòng của châu Âu.

Mối lo ngại lớn nhất của giới chức châu Âu là họ có thể sẽ không còn nhận được sự bảo vệ quân sự từ Mỹ cũng như việc ông Trump có thể sẽ tìm cách ký một thỏa thuận hòa bình với ông Putin theo hướng có thể làm suy yếu Kiev và an ninh của toàn châu Âu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.