Thời sự Quốc tế

Mỹ tham vọng biến tiêm kích F-16 thành siêu UAV trang bị AI

17/04/2024, 08:00

Những chiến đấu cơ truyền thống như F-16 sắp được quân đội Mỹ nâng cấp thành phiên bản máy bay tự lái, được trang bị trí tuệ thông minh (AI) với nhiều ưu điểm vượt trội.

Cả phi đội giá chỉ bằng 1/4 chiếc F-35

Theo tạp chí Air&Space Forces, Không quân Mỹ đang tiến hành cải hoán và thử nghiệm công nghệ tự lái cùng phần mềm đi kèm trên 6 chiếc tiêm kích F-16 tại căn cứ Không quân Eglin. Đây là một phần trong dự án VENOM nhằm phát triển thế hệ máy bay tự lái tiếp theo. 

Sau khi được cải hoán, trong quá trình bay thử nghiệm, những chiếc máy bay này vẫn có phi công giám sát theo thời gian thực và chỉ can thiệp khi cần thiết.

Mỹ tham vọng biến tiêm kích F-16 thành siêu UAV trang bị AI- Ảnh 1.

Phi đội máy bay của không quân Mỹ nằm trong dự án CCA (Đồ họa: Boeing)

VENOM lần đầu được Không quân Mỹ đề cập đến vào năm 2023 khi yêu cầu khoản ngân sách gần 50 triệu USD trong năm tài khóa 2024 cho dự án. 

Trong năm 2025, ngân sách cho VENOM sẽ giảm xuống còn 17 triệu USD chủ yếu đổ vào chương trình Hợp tác Máy bay Chiến đấu (CCA) mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã mời một số nhà thầu quốc phòng danh tiếng như Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Atomics và Anduril Industries tham gia đấu đầu.

Những chiếc máy bay chiến đấu kiểu mới nằm trong khuôn khổ CCA sẽ được triển khai song song máy bay chiến đấu có phi công truyền thống để hộ tống và sẽ được trang bị toàn bộ các loại vũ khí như máy bay truyền thống. 

Ngoài ra, các phương tiện này còn có thể thực thi các sứ mệnh trinh sát hoặc trở thành trung tâm truyền tải thông tin giữa các phi đội máy bay. Dự kiến, khoảng 1.000-2000 máy bay chiến đấu truyền thống của Mỹ sẽ được trang bị tính năng AI trong vòng 5 năm tới và tổng số tiền để nâng cấp toàn bộ phi đội sẽ là 8,9 tỷ USD.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks hồi tháng 8/2023 cho biết, việc triển khai những chiếc máy bay chiến đấu có tính năng AI sẽ giúp thiết lập nhiều đơn vị "nhỏ gọn, thông minh, tiết kiệm ngân sách" đồng thời đẩy nhanh "quá trình chuyển đổi công nghệ quân sự vốn đã quá chậm chạp trong quân đội Mỹ". Theo đó, một phi đội máy bay chiến đấu do AI vận hành sẽ có giá thành khoảng 20 triệu USD chỉ bằng từ 1/4 đến 1/3 một chiếc máy bay chiến đấu F-35 hiện tại.

Quyết đuổi kịp đối thủ

Dù quá trình thử nghiệm các tính năng của tiêm kích F-16 diễn ra khá thành công nhưng chính giới chức Mỹ phải thừa nhận họ có thể bị những đồng minh và đối thủ bỏ lại phía sau. 

Cụ thể quân đội Anh từng phát triển dự án máy bay không người lái Mosquito nhưng đã hủy bỏ và thay thế bằng một giải pháp ít tốn kém hơn. Trong khi đó, Australia đang tiến hành thử nghiệm mẫu máy bay không người lái tàng hình đa nhiệm MQ-28 Ghost Bat.

Trung Quốc hiện cũng phát triển một mẫu máy bay không người lái với những tính năng tiên tiến khiến ngay cả Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall phải dè chừng.

"Không quân Mỹ đang chạy đua về ưu thế công nghệ trước một đối thủ cạnh tranh chiến lược giàu tiềm năng. Chúng ta đang phải đối mặt với một đối thủ có khả năng mua sắm vượt trội. Đó là thách thức mà Mỹ chưa từng phải đối mặt trong thời hiện đại", ông Frank Kendall nói. 

Bên cạnh đó, những chiếc UAV đa dụng đang được sử dụng rộng rãi trên khắp các chiến trường và đã trở thành một trong những loại vũ khí chủ chốt có thể quyết định cục diện cuộc chiến. 

Cả Nga và Ukraine đều sử dụng các phương tiện này để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào trang thiết bị quân sự, cơ sở hạ tầng của đối phương. Trong khi đó, tại Trung Đông, các nhóm phiến quân cũng thường sử dụng máy bay không người lái tấn công vào các căn cứ của Mỹ và tàu thuyền qua lại khu vực Biển Đỏ.

Mới đây, phát biểu trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Mỹ ngày 9/4, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết đích thân ông sẽ ngồi trên khoang lái một chiếc F-16 được cải hoán để theo dõi toàn bộ quá trình máy bay tự hoạt động. "Sẽ có một phi công bay kèm với tôi và chúng tôi chỉ quan sát nó hoạt động. Hy vọng rằng cả viên phi công và tôi sẽ không cần phải đụng tay vào việc lái chiếc tiêm kích", ông Kendall nói.

Trước đó, Không quân Mỹ cho biết, quá trình ngồi trên khoang lái F-16 của các phi công chỉ nhằm đảm bảo các mục tiêu trong bài thử nghiệm đều đạt. Các phi công sau đó sẽ cung cấp phản hồi để hệ thống thu thập dữ liệu để "chắc chắn rằng, quá trình tự động hóa sẽ giúp F-16 có thể đưa ra quyết định phù hợp trước, trong và sau toàn bộ chuyến bay".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.